Thời gian gần đây, không chỉ có các doanh nghiệp bất động sản mà cả những nhà đầu tư đều đang đổ dồn về TP. Đà Lạt và Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng làm dự án.
Sốt đất lan rộng đến Lâm Đồng
Thời gian gần đây, bất động sản Lâm Đồng mà nổi bật nhất là hai thành phố gồm Đà Lạt và Bảo Lộc trở nên sôi động khi nhiều nhà đầu tư đổ bộ về đây.
Những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, song song với hệ thống đường vành đai và các tuyến cao tốc kết nối với các vùng kinh tế dần được hình thành.
Trong tương lai gần, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Dầu Giây – Bảo Lộc – Liên Khương hoàn thành sẽ mở cánh cửa cho Lâm Đồng dễ dàng kết nối với TP. HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Cạnh đó, những tuyến đường kết nối với Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu cũng đã được mở rộng hoàn thiện và dễ dàng di chuyển trong đó, Lâm Đồng nằm ở vị trí trung tâm và sở hữu sự khác biệt so với 3 địa phương còn lại.
Đặc biệt, sân bay Liên Khương trở thành sân bay quốc tế đã giúp Lâm Đồng thu hút khách du lịch và “chia lửa” lượng khách du lịch quốc tế đến miền Nam Trung Bộ của sân bay Cam Ranh.
Hơn 200 triệu đồng/m2 đất khu trung tâm TP. Đà Lạt
Vừa qua, UBND TP. Đà Lạt vừa công bố quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP. Đà Lạt”. Khu vực quy hoạch này có diện tích 30 ha (thuộc phường 1, TP. Đà Lạt).
Chỉ trong vòng một tháng qua, giá đất nền tại trung tâm TP. Đà Lạt liên tục tăng cao. Nhiều trục đường như Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu… được rao bán từ 200 – 250 triệu đồng/m2.
Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tại khu vực Hòa Bình, giá đất ở đây liên tục biến động. Các khu vực quanh trung tâm Hòa Bình, chợ Đà Lạt được đẩy lên cao “kỷ lục”. Cách đây một năm, khu vực này cũng nơi cao nhất cũng chỉ mới rao bán khoảng 150 triệu đồng/m2 nhưng nay đã lên tới hơn 200 triệu đồng/m2.
Khảo sát tại khu vực trung tâm Đà Lạt (khu Hòa Bình), đường Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Phan Bội Châu, Lê Thị Hồng Gấm các chủ đất đều cho biết giá đất sẽ còn tăng cao. Một số chủ đất còn dự đoán chỉ vài tháng nữa đất ở đây sẽ tăng lên 300 triệu đồng/m2.
Trên các trang web mua bán nhà đất, nhiều khu vực trung tâm còn được rao bán từ 300 – 400 triệu đồng/m2. Chưa dừng lại ở đó, nhiều khu vực cách thành phố hơn 40km cũng được rao bán hơn 20 – 30 triệu đồng/m2 dù chỉ là đất nông nghiệp, bán giấy tay.
Tiềm năng lớn ở Bảo Lộc
Với hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, TP. Bảo Lộc đã và đang thay thế Đà lạt trở thành thủ phủ mới của tỉnh Lâm Đồng và là tâm điểm phát triển kinh tế phía Nam Tây Nguyên với nhiều cụm công nghiệp lớn, những dự án bất động sản quy mô và khả năng liên kết vùng thuận lợi.
Hạ tầng giao thông của TP. Bảo Lộc đang được đầu tư mạnh mẽ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các vùng kinh tế dần được hình thành đang trở thành động lực thu hút nguồn lực đầu tư về phát triển các khu đô thị tại đây kéo theo giá đất ở Bảo Lộc hiện tại ngày càng tăng.
Rất nhiều chủ đầu tư lớn đã về đây khai thác khiến TP. Bảo Lộc trở nên sôi động với hàng loạt dự án nhiều phân khúc. Tiêu biểu phải kể đến những tập đoàn lớn như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn TTC, Vinamilk, Sabeco, Trường Hải, Hưng Thịnh, Era Holdings, T&T Group,… Tất cả tạo nên nhịp sôi động cho thị trường, mở ra cơ hội đầu tư và an cư tại thành phố đầy tiềm năng này.
Đến cuối năm 2018, giá đất tại trung tâm thành phố Bảo Lộc đã tăng 20 – 25% so với quý trước. Giá đất tại đây có thời điểm tăng đến 40% so với cuối năm 2017. Riêng khu vực kết nối lên cao tốc, các tuyến đường vành đai, giá đất ghi nhận vào cuối năm 2018, tăng từ 40 – 50% (tùy vị trí) so với cùng thời điểm năm 2017.
Tuy nhiên, mặt bằng giá đất nền tại Bảo Lộc vẫn thấp hơn từ 50 – 70% so với thành phố Đà Lạt, trong khi tiềm năng phát triển của Bảo Lộc là rất lớn. Vì vậy trong thời gian tới chắc chắn thị trường bất động sản tại Bảo Lộc sẽ còn rất nhiều tiềm năng tăng giá.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, TP. Bảo Lộc là một trong những thị trường tiềm năng hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng bởi đây là điểm kết nối giữa các vùng kinh tế: Tây Nguyên – Duyên hải Nam Trung Bộ – Đông Nam Bộ. Kèm theo đó, với sự tăng trưởng đột phá như hiện nay, Bảo Lộc trở thành thành phố thu hút đông đảo nhà đầu tư về công nghiệp, du lịch, bất động sản.
Ngoài ra, TP. Bảo Lộc đang kêu gọi đầu tư sân bay Lộc Phát, các cụm công nghiệp dịch vụ, các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại,… đây sẽ là động lực để kinh tế Bảo Lộc phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.
Theo Đức Hậu/Thời báo chứng khoán