Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư BZZ – cổ đông lớn của Công ty Cổ phần GTNfoods (HOSE – Mã chứng khoán: GTN) đã bán xong toàn bộ 17,5 triệu cổ phiếu GTN, tương ứng 7% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Thời gian thực hiện giao dịch vào ngày 4/6/2019.
Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư BZZ chính thức trở thành cổ đông lớn của GTNfoods kể từ ngày 25/3/2019 khi mua vào gần 1,22 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu tại GTN lên 13,46 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,38%. Ngay sau đó 1 ngày, tổ chức này tiếp tục mua thêm hơn 4 triệu cổ phiếu và tăng lượng cổ phiếu GTN nắm giữ lên 17,5 triệu cổ phiếu.
Sau giao dịch, tổ chức này giảm sở hữu tại GTN xuống 0% và không còn là cổ đông lớn của GTNfoods.
Hiện chưa công bố ai là bên mua vào lượng cổ phiếu trên nhưng được biết, đây là giao dịch thỏa thuận với giá bán bình quân 17.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền Công ty Đầu tư BZZ thu về từ thương vụ này là hơn 306 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 19/6, cổ phiếu GTN tăng nhẹ 0,8% lên 19.150 đồng/CP khi chuyển nhượng thành công 211.880 đơn vị. Tính trung bình 10 phiên gần đây, khối lượng khớp lệnh của GTN đạt 339.579 đơn vị/phiên.
Tính đến thời điểm hiện tại, GTNfoods còn 3 cổ đông lớn gồm Vinamilk sở hữu 95,85 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 38,34%; Invest Tây Đại Dương sở hữu hơn 70 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 28,02% và ông Nghiêm Văn Tùng sở hữu 12,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5%.
GTN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3,350 tỷ đồng trong năm 2019
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của CTCP GTNFoods năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3,350 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 90 tỷ đồng, tức tăng gấp hơn 11 lần so mức 8 tỷ của năm 2018.
Theo GTN, chỉ tiêu này của Công ty đưa ra dựa trên đánh giá, dự báo thị trường, tình hình cạnh tranh và các sách lược kinh doanh của từng công ty con trong năm 2019. Trong đó, Mộc Châu Milk sẽ tập trung phát triển kênh phân phối hiện đại bên cạnh kênh truyền thống, mở rộng thị trường, nhất là tập trung hướng tới thị trường phía Nam và xuất khẩu vào Trung Quốc.
Đối với Vinatea, quyết toán bàn giao vốn Nhà nước lần II, tiếp tục tái cơ cấu, tìm kiếm đối tác tiềm năng, các giải pháp về vốn, thị trường, sản xuất nông nghiệp, chế biến… GTN cũng đặt mục tiêu tìm kiếm, triển khai các cơ hội đầu tư mới, nâng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị thành viên đang hoạt động hiệu quả và thoái vốn tại các ngành kém hiệu quả.
Theo HĐQT GTN, năm 2018 Công ty tiếp tục tái cấu trúc các đơn vị thành viên chủ chốt như Vinatea và Vilico. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường lên hoạt động kinh doanh của các công ty con nên kết quả kinh doanh của GTN chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, doanh thu thuần ở mức 3,008 tỷ đồng, giảm 20.5% so với năm 2017 và đạt 90% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, chỉ bằng 35% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn gần 8 tỷ đồng. Trong năm qua, GTN đã tăng sở hữu tại Vilico lên 74.5% và thoái 45% vốn tại CTCP Nhựa Miền Trung.
Theo Nguyễn Thanh/Thời báo chứng khoán