Home Ấn tượng 24H Đầu tư ra nước ngoài của PVN tiềm ẩn rủi ro mất...

Đầu tư ra nước ngoài của PVN tiềm ẩn rủi ro mất vốn

0

Báo cáo của kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.

Kiểm toán nhà nước mới đây vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 gửi Quốc hội trong đó, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2017 của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty; 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Báo cáo cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp nhà nước chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Trong đó, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773triệu USD).

Điển hình trong số này là dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí Junin 2. Chủ đầu tư của dự án là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP, công ty con của Petro Vietnam), nắm 40%, Tổng công ty Dầu khí Venezuela cũng nắm 40%, PDVSA nắm 60%. Tổng mức đầu tư của dự án theo giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 398 ngày 29/10/2010 là 1,825 tỷ USD (cho giai đoạn 1 từ 2010 – 2025).

Dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Venezuela thời điểm đó được các bên đánh giá là dự án phát triển khai thác dầu khí khổng lồ với trữ lượng dầu khí rất lớn. Theo thỏa thuận, dự án được khai thác trong vòng 25 năm và có thể gia hạn.

Báo cáo cũng chỉ ra một loạt dự án của PVN ở Peru đang chờ chuyển nhượng cho đối tác khác là Dự án lô 67 và lô 39. Dự án lô PM 304 (Malaysia) cũng đang được kiến nghị chuyển nhượng 15% vốn góp của PVN.

Ngoài ra, các dự án thăm dò thẩm lượng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như dự án lô Nagumanov (Nga), lô Marine XI (Conggo) chưa chuyển nhượng được vốn góp, dự án nghiên cứu thăm dò lô Danan (Iran), PVEP góp vốn 82,07 triệu USD và đang xin tạm dừng/giãn tiến độ; lô M2 (Myanmar) dừng vì rủi ro; lô XV (Campuchia) góp vốn 72,46 triệu USD đang chuyển nhượng vốn góp; lô MD2, lô MD4 (Myanmar) chưa rõ hiệu quả.

Báo cáo cũng cho biết, nợ khó đòi của Công ty mẹ PVN là 11.368 tỷ đồng; một số doanh nghiệp thuộc Petro Vietnam gửi tiền tại OceanBank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp (Công ty mẹ PVN 5.026 tỷ đồng, 86.016.801 USD và 2.171 EUR; PTSC 229 tỷ đồng; PV Power 21 tỷ đồng và 102 USD; Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn 2.743 tỷ đồng; PVOIL 262 tỷ đồng, PV Trans 181 tỷ đồng; PVFCCo 284 tỷ đồng).

“Đặc biệt giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại hai ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng”, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Theo Anh Minh/Thương Gia