Home Tiêu điểm Để đường hỏng gây tai nạn: Mạnh tay với đơn vị bảo...

Để đường hỏng gây tai nạn: Mạnh tay với đơn vị bảo trì

0

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cảnh báo, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo trì đường không làm hết trách nhiệm, để đường hỏng dẫn tới tai nạn chết người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trên thực tế, không ít trường hợp tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra mà nguyên nhân do đường hỏng không được sửa chữa, gây ra hậu quả chết người. Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay với những đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì đường bộ không làm tròn chức trách.

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn chết người do sụt ổ gà ở Phú Yên. Ảnh: Quý Đô

Để đường hỏng là có lỗi với dân

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã rất thẳng thắn khi nhìn nhận việc để đường hỏng không sửa chữa kịp dẫn đến tai nạn giao thông thì đơn vị quản lý, duy tu, bảo trì đường phải chịu trách nhiệm. Đối với những dự án chưa được bàn giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì nhà thầu và Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa. Còn những đường đã được bàn giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa.

Tư lệnh ngành GTVT đưa dẫn chứng về một vụ TNGT gây chết người vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc mặt đường hư hỏng chưa kịp sửa chữa để đưa ra lời cảnh báo đồng thời đặt ra câu hỏi về công tác duy tu, bảo dưỡng đường liệu đã thực hiện tốt hay chưa. “Nếu đường bộ xuống cấp sửa chữa không kịp thời, có ổ gà, ổ voi nếu xảy ra tai nạn có thể phải ra tòa, bài học vẫn còn đó. Sự việc ở Phú Yên đặt ra đòi hỏi chúng ta phải duy tu cho tốt được không? Nếu thiếu tiền phải báo cáo Chính phủ để đảm bảo khối tài sản đường bộ rất lớn, ưu tiên bảo vệ tài sản đang có, đảm bảo an toàn đi lại” – Bộ trưởng Bộ GTVT nói. Về nhiệm vụ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc đảm bảo chất lượng đường bộ và xóa các điểm đen TNGT sẽ là hai trong số nhiệm vụ trọng tâm. “Đây là ưu tiên số 1 và là công việc hết sức ý nghĩa với Nhân dân vì đây là những vị trí dễ dẫn đến tai nạn chết người” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

“QL1 có nhiều vị trí hư hỏng nhưng đơn vị sửa chữa đường hoặc cơ quan quản lý đường bộ không cảnh báo, không đảm bảo an toàn giao thông là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cần sớm khởi tố vụ án để điều tra dấu hiệu về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự.’ – Luật sư Nguyễn Tường Linh – Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa
Cấm cửa những đơn vị chây ì, chậm trễ sửa đường

Hiện cả nước còn tới 16.000km đường bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang bị hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để đại tu. Thời gian qua dư luận đã nhắc đến rất nhiều về tình trạng đường hư hỏng, không được sửa chữa kịp thời và để lại những hệ lụy không nhỏ cho cuộc sống người dân cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Điển hình nhất là tuyến QL1, đoạn qua một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Định. Gần đây nhất, cuối năm 2018, Chủ đầu tư của tuyến QL1 đoạn qua tỉnh Phú Yên là Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT “cấm cửa” một số nhà thầu tham gia các dự án sau này do Bộ làm chủ đầu tư bởi những đơn vị trên đã chậm trễ trong việc sửa chữa hư hỏng trên đường.

Từ kiến nghị của Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Bộ GTVT có công điện gửi Tổng cục Đường bộ, các Ban Quản lý dự án, Sở GTVT địa phương, nhà đầu tư BOT trên QL1 về việc thực hiện nghiêm túc trách nhiệm bảo hành, bảo trì đảm bảo an toàn giao thông thông suốt tại các dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường này. Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà đầu tư tổng hợp kịp thời danh sách những nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm trễ, chây ì; không hoàn thành trách nhiệm bảo hành công trình, báo cáo Bộ xử lý theo quy định.

Đặc biệt, 5 DN nằm trong “danh sách đen” mà Ban Quản lý Dự án Thăng Long “điểm mặt” là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn; Công ty CP Trường Sơn 185; Công ty CP 475; Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9; Công ty CP Đầu tư và phát triển Trường An và Tổng Công ty CP Xây dựng 789 sẽ không được tham gia các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư trong thời gian tới. Đây được đánh giá là bước đi quyết liệt và cứng rắn cần thiết của Bộ GTVT trong việc siết chặt lại công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ, vốn đã và đang bị buông lỏng trong thời gian qua.

Theo Quý Nguyễn/Kinh tế & Đô thị