Ban IV đánh giá nếu các hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong Đề án không thể khắc phục trong thời gian ngắn thì kết quả Đề án 338 có thể không đạt mục tiêu kỳ vọng.
Theo báo cáo tóm tắt được trích dẫn từ Báo cáo Đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả Đề án 338 – Đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định, việc triển khai đề án 338 có thể diễn biến theo 2 hướng.
Trường hợp thứ nhất, nếu các hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong Đề án không thể khắc phục trong thời gian ngắn thì kết quả Đề án 338 có thể không đạt mục tiêu kỳ vọng.
Trường hợp thứ hai, nếu các hạn chế, bất cập liên quan quy định pháp luật và thực thi được khắc phục, Đề án 338 thành công với ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH vào năm 2030, thì nguồn cung này cũng chưa bằng 50% so với nhu cầu thực tế.
Đánh giá từ thực tiễn, Ban IV cho biết trong quá trình thực hiện đề án đang vướng phải hàng loạt tồn tại, hạn chế bao gồm quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không còn phù hợp; trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, mua – bán còn phức tạp và kéo dài; việc xác định giá nhà chưa được thẩm định rõ; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn; diện tích cho thuê trong dự án gây lãng phí; đối tượng mua NOXH còn được được quy định rõ ràng và một số loại hình NOXH chưa được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở.
Bên cạnh đó, Ban IV chỉ rõ một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án từ Trung ương đến địa phương như ngân sách bố trí chưa đầy đủ; nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay đến nay chưa được bố trí.
Tại địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển NOXH, chưa xác định được quỹ đất để xây dựng NOXH trong quy hoạch đô thị, thiếu quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính, vai trò của các cấp quản lý nhà nước trong việc phát triển nhà trọ cho người thu nhập thấp chưa cao.
Về phía doanh nghiệp, Ban IV cũng nêu lên hạn chế như một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động.
Theo đó, để thực hiện thành công đề án, Ban IV đã nêu ra một số đề xuất.
Đầu tiên, các địa phương phải bố trí quỹ đất sạch cho các dự án NOXH độc lập thay vì dựa vào quỹ đất 20% ở các dự án nhà ở thương mại/khu đô thị đang/sẽ triển khai trên địa bàn; tuân thủ nguyên tắc về vị trí, địa điểm đồng thời công bố công khai đầy đủ và minh bạch thông tin về diện tích, vị trí, đặc điểm khu đất dành để phát triển NOXH.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần giao Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá nhu cầu NOXH theo từng địa phương, chú trọng phát triển NOXH trước hết cho khu vực đô thị, đặc biệt là đô thị đặc biệt và các vị trí có các khu công nghiệp tập trung.
Để giảm thiểu chi phí xây dựng cho các dự án, các địa phương cần tập trung thực hiện theo 3 giai đoạn quan trọng.
Giai đoạn 1: Xác lập quỹ đất sạch, khả thi, hợp lý để phát triển NOXH.
Giai đoạn 2: Giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật/xã hội nền tảng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Giai đoạn 3: Hoàn tất thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất để triển khai dự án NOXH.
Để hỗ trợ tín dụng hiệu quả cho các dự án NOXH, Ban IV đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phân bổ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hợp lý để duy trì mức lãi suất ưu đãi không quá 8,7% cho chủ đầu tư trong ít nhất 2 năm đầu thực hiện Đề án 338; duy trì mức lãi suất ưu đãi cho người mua NOXH ổn định dưới 8% trong thời gian ưu đãi tối thiểu 10 năm.
Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, cải thiện mạnh mẽ các điều kiện, quy trình tiếp cận vốn vay hiện hành cho người mua NOXH; chú trọng vai trò bảo lãnh của doanh nghiệp cho người lao động.
Lê Mạnh Quốc