Đề xuất tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính gây tranh cãi tại phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) chiều qua (2/4).
Chiều ngày 2/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, chuyên gia cùng các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tại phiên họp, chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất là nên tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra khỏi Bộ Tài chính hay vẫn để Ủy ban như cũ nhưng tăng thẩm quyền.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp |
Băn khoăn phải sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ
Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – đơn vị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm tra hồ sơ của dự án Luật này, cho rằng cần phải xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt đối với cơ quan quản lý là UBCKNN.
“Qua xem xét thực tế chúng tôi nhận thấy rằng trong thời gian qua và có lẽ trong vài năm tới Ủy ban Chứng khoán có thể đặt dưới Bộ Tài chính chắc là không vấn đề gì. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), Ủy ban Chứng khoán phải độc lập trong hoạt động và chịu trách nhiệm trong thực thi các chức năng và quyền hạn của mình; cần có đủ thẩm quyền, nguồn lực hợp lý và có năng lực để thực hiện được các chức năng, quyền hạn của mình. Hiện vai trò của Ủy ban Chứng khoán đang chưa rõ ràng về cả việc điều hành cũng như là bộ máy, điều lệ. Tôi rất lo ngại vấn đề này”, ông nói.
Đồng thuận với việc UBCKNN cần phải độc lập, tuy nhiên, khi nói về vị trí pháp lý của UBCKNN, TS. Phạm Giang Thu, Trưởng bộ môn Luật tài chính Ngân hàng của Đại học Luật Hà Nội cho rằng việc Ủy ban này trở thành một đơn vị thuộc Bộ Tài chính có rất nhiều lý do.
“Bây giờ phải xem lại xem những lý do đó còn hay không. Nếu còn thì chúng ta phải cân nhắc xem có thực hiện được độc lập theo nguyên tắc mà IOSCO đưa ra hay không”, bà Thu nói thêm.
Giảng viên này bày tỏ băn khoăn, nếu đề xuất trên thành hiện thực thì khi đó chắc chắn phải sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ. “Việc này cần cân nhắc”, bà Thu nhấn mạnh đồng thời đề xuất để tạo sự chủ động, độc lập hơn cho UBCKNN, người đứng đầu của Ủy ban này có thể giữ vị trí như một Thứ trưởng Bộ Tài chính.
“Nếu làm vậy, các yêu cầu mang tính chất quy phạm vẫn đạt được, chúng ta cũng sẽ giảm đầu mối, tránh cấp trung gian. Còn nếu chúng ta phình thêm – UBCKNN như một cơ quan ngang bộ nữa – thì tôi e ngại là Việt Nam đang giảm béo lại càng béo thêm. Chưa kể có làm được điều đó không với áp lực dư luận?”, bà Thu nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại phiên họp |
Cần cân nhắc đến yêu cầu phát triển của thị trường
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế của Bộ Tài chính – người từng chứng kiến nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán từ những ngày đầu, cho biết từ khi được đưa vào Bộ Tài chính, UBCKNN cũng nhận được những sự hỗ trợ thích hợp.
Do vậy theo ông, nếu muốn tách cần cân nhắc đến yêu cầu phát triển của thị trường bởi kể cả tách được “còn khuya mới sửa được hệ thống để UBCKNN có thể trở thành một cơ quan được phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. “Cần có lộ trình và chờ hội đủ các điều kiện. Còn giờ có thể theo hướng tăng tính độc lập, chủ động của UBCKNN”, ông nói.
Tuy vậy, vị này thừa nhận: “Phải theo thông lệ quốc tế là quá đúng. Chúng ta hãy quên đi cái chuyện bớt hay tăng đầu mối. Tôi cho rằng nếu quản lý hiệu quả, chúng ta tiếc gì mà không đẻ thêm? Ở nhiều nước UBCK cũng độc lập đó thôi”.
Đồng quan điểm với ông Nghĩa, ông Nguyễn Văn Thân, thành viên UBKT của Quốc hội phát biểu: “Tôi nghĩ Bộ Tài chính không phải muốn gom góp làm gì. Vấn đề là chúng ta chưa hiểu. Tôi cho rằng không phải sợ chúng ta bị phình ra bởi nếu phình ra mà có lợi cho kinh tế đất nước thì tại sao lại không phình mà cứ sợ dư luận?
Đã độc lập thì Ủy ban phải ngang Bộ chứ cứ lưng chừng trời thì biết hỏi ai? 14 năm qua thuộc Bộ Tài chính rồi, giờ chúng ta phải dám mạnh dạn tách ra chứ”.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN phát biểu dù UBCKNN là tổ chức độc lập hay thuộc một cơ quan khác thì vẫn phải tuân theo bộ tiêu chuẩn duy nhất là bộ tiêu chuẩn của IOSCO. Bộ tiêu chuẩn này có 38 nguyên tắc thì có 8 nguyên tắc liên quan đến cơ quan UBCK và 3 nguyên tắc liên quan tới việc giám sát, thực thi của cơ quan này.
“Nếu chúng ta đảm bảo được các nguyên tắc của IOSCO thì UBCK mới đủ thẩm quyền để ứng xử trong việc đưa ra những giải pháp phát triển và quản lý thị trường”, ông Dũng nói thêm.
Cho ý kiến về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết khi UBCKNN nhập vào Bộ là thực hiện theo chủ trương giảm bớt đầu mối các cơ quan trực thuộc Chính phủ và Bộ Tài chính không chỉ tiếp nhận mỗi UBCK.
“Hiện nay với xu hướng đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và với điều kiện thực tế của UBCK, tôi cho rằng tùy vào thực tế Ủy ban Kinh tế cân nhắc để có đề nghị. Về phía Bộ Tài chính cũng như chỉ đạo của Chính phủ, khi xây dựng luật này, chúng tôi cố gắng tăng cường các quy định để nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của UBCK cũng như Bộ Tài chính theo xu hướng tăng cường phân cấp. Chúng tôi cũng sẽ xem lại xem còn những gì cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của UBCK để thực hiện tốt việc này”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 tới; sau đó sẽ tiếp tục xin ý kiến và sẽ có phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra chính thức dự án Luật này trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Theo Kiều Vui/Thời báo chứng khoán