Home Tiêu điểm Điều hành giá điện không “giật cục”, phù hợp khả năng chi...

Điều hành giá điện không “giật cục”, phù hợp khả năng chi trả của người dân 

0

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn, EVN căn cứ chức năng, thẩm quyền điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không “giật cục”. 

Văn phòng Chính phủ vừa phát Thông báo số 244 kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tình hình bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian cao điểm năm 2024, các năm tiếp theo và việc tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn, EVN căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền điều hành giá điện theo lộ trình phù hợp, không “giật cục”.

Còn ngành điện phải đẩy mạnh tiết kiệm chi phí, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí…

“Giá điện phải phù hợp khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp, điều kiện Việt Nam, có sự điều tiết của Nhà nước để ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng chỉ đạo.

Kinh tế vĩ mô - Điều hành giá điện không 'giật cục', phù hợp khả năng chi trả của người dân
Thủ tướng yêu cầu điều hành giá điện không giật cục, phù hợp với giá tiền của người dân (Ảnh: Phạm Tùng).

Về tiết kiệm điện, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị 20 năm 2023 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện; EVN khẩn trương phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại miền Bắc làm tốt công tác truyền thông về sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả.

Về truyền tải điện, phân phối điện, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 (519 km) từ Quảng Trạch đến Phố Nối đưa vào sử dụng trước ngày 30/6.

Các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5/2024 như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum – Nông Cống, đường dây 500kV Monsoon – Thạch Mỹ… phấn đấu hoàn thành để kịp thời bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư vào hệ thống truyền tải điện với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Về việc xây dựng các chính sách, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và đơn vị phát điện, trình Chính phủ trước 30/5.

Còn dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và dự thảo Nghị định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, được yêu cầu hoàn thiện và trình Chính phủ trước 15/6.

Thủ tướng yêu cầu, xây dựng các nghị định trên nguyên tắc lắng nghe ý kiến các bên liên quan để chính sách đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, không phát sinh các vấn đề phức tạp.

Nguyễn Thu Huyền

Link nguồn