Home Kinh tế vĩ mô DN vận tải: Giá cước khó có thể ‘chạy’ theo chu kỳ...

DN vận tải: Giá cước khó có thể ‘chạy’ theo chu kỳ điều hành xăng, dầu

0

Khi giá nhiên liệu giảm sâu như hiện nay, nếu thấy giá vé của các đơn vị vận tải bất hợp lý, sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố cần yêu cầu doanh nghiệp rà soát kê khai lại giá cước.

Giá cước của mỗi doanh nghiệp vận tải được xây dựng trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhiều ý kiến cho rằng giá xăng tuy đã giảm xuống chỉ còn 24.600 đồng/lít, song giá cước vận tải thì lại hầu như chưa có sự điều chỉnh, gây khó khăn cho các hành khách.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại đưa ra “cái lý” của mình, trong đó có việc bị “bó buộc” bởi cơ chế, chính sách trong việc điều chỉnh giá cước.

Cước vận tải chưa giảm, cước taxi “hạ nhiệt”

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt) cho biết giá cước tuyến Hà Nội-Lào Cai của hãng hiện là 280.000 đồng/người/lượt, tăng 40.000 đồng (tương đương khoảng 16% so với giá vé trước đây).

Theo ông Bằng, thời điểm tăng giá vé vào tháng 3/2022, khi giá xăng dầu ở mức 25.000 đồng/lít, sau đó liên tục tăng cao, chạm mốc gần 33.000 đồng/lít nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh tăng theo.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp vận tải hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Mặt khác, giá xăng ở thời điểm hiện tại tuy đã giảm xuống chỉ còn 24.600 đồng/lít, song thời gian giảm chưa dài, chưa đủ để doanh nghiệp bù lỗ trong khoảng thời gian giá xăng tăng cao. Do đó, doanh nghiệp vẫn chưa thể đề xuất giá cước mới.

Với lĩnh vực taxi, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn thành phố nghiên cứu thực hiện đồng nhất việc giảm giá cước taxi với mức tham khảo từ 500-1.000 đồng/km.

“Hiện có hai hãng taxi đã thực hiện việc giảm giá cước. Các doanh nghiệp còn lại đang kê khai giá cước mới để gửi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Mức giá cước thực tế của hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội đang là 15.000 đồng/km,” ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội thông tin.

Với mức phí 150.000 đồng/xe cho mỗi lần điều chỉnh giá cước, ông Hùng thừa nhận các hãng taxi tốn rất nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới nên trước khi quyết định đề xuất tăng, giảm giá cước các doanh nghiệp cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, đại diện Taxi Đất Cảng cho rằng giá cước vận tải chưa tăng so với giá xăng vì thủ tục điều chỉnh giá cũng phức tạp. Mặt khác, giá xăng chưa ổn định, lên xuống thất thường khiến doanh nghiệp cũng khó điều chỉnh.

“Hiện giá cước của Taxi Đất Cảng vẫn là 14.000đồng/km. Nếu giá dầu thế giới ổn định và xu hướng giảm thì cước vận tải sẽ giảm,” ông Hải cho hay.

Tại phía Nam, Taxi Vinasun cũng vừa đăng ký thủ tục giảm giá cước 1.000 đồng/km sau khi giá xăng dầu liên tục “hạ nhiệt” trong thời gian qua.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết đơn vị luôn bám sát biến động giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước phù hợp, linh hoạt để hài hòa lợi ích khách hàng.

Cụ thể, từ ngày 10-21/8, Công ty đã điều chỉnh giá vé các tàu Thống nhất như giảm 3% giá vé ghế ngồi và 5% giá vé giường nằm; các tàu chạy trên tuyến Hà Nội-Vinh/Đồng Hới giảm 10% giá vé. Riêng các tuyến Hà Nội-Lào Cai/Hải Phòng không giảm giá vé do không tăng giá vé khi giá nhiên liệu tăng.

Đối với tàu khách chạy giai đoạn thấp điểm, sau giai đoạn cao điểm hè từ ngày 22/8-31/12/2022 (trừ dịp nghỉ lễ 2/9 và Tết Dương lịch năm 2023), Công ty xây dựng giá vé tàu khách Thống nhất bằng 84% giá vé áp dụng cho giai đoạn Hè; giá vé tàu khách khu đoạn tàu khách Hà Nội-Vinh bằng 77% so với giá vé hè; giá vé tàu Hà Nội-Lào Cai giảm 10% trong các ngày đầu tuần.

Tăng hay giảm sẽ dựa vào kê khai giá cước

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đối với vận tải taxi, vận tải khách tuyến cố định và xe buýt, Nhà nước yêu cầu phải kê khai giá. Các doanh nghiệp vận tải thuộc các loại hình này tự kê khai và đăng ký giá với Nhà nước.

Lý giải rõ hơn, ông Quyền phân tích giá cước của mỗi doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. Những yếu tố cấu thành nên chi phí vận tải là một trong các căn cứ để doanh nghiệp quyết định giá cước.

“Trong các chi phí đầu vào, giá xăng dầu được các doanh nghiệp dự báo giá nhiên liệu trên thị trường trung bình trong thời gian 3 hay 6 tháng. Doanh nghiệp không căn cứ vào giá xăng dầu trong kỳ điều hành 10 ngày để điều chỉnh giá cước. Giá cước phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu,” ông Quyền nói.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra tình hình xe hoạt động tại bến Mỹ Đình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về vấn đề kê khai giá cước, Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng nếu thấy việc kê khai bất hợp lý hoặc bán vé cao hơn giá kê khai, cơ quan Nhà nước sẽ yêu cầu kê khai lại hoặc xử lý theo quy định.

“Khi giá nhiên liệu giảm sâu như thời điểm hiện nay, nếu thấy giá vé của các đơn vị vận tải bất hợp lý, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố cần yêu cầu doanh nghiệp rà soát kê khai lại giá cước,” ông Thủy nói.

Để góp phần bình ổn giá tiêu dùng, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ cũng đã có đề nghị doanh nghiệp vận tải rà soát, giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm giá xăng dầu.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Bảy vào chiều tối 3/8, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết khi giá xăng dầu giảm thì có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian đầu giá xăng dầu giảm nhưng không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai giảm.

“Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định và giá cước vận tải sẽ giảm theo giá xăng dầu,” Thứ trưởng Sang cho hay.

Việt Hùng

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dn-van-tai-gia-cuoc-kho-co-the-chay-theo-chu-ky-dieu-hanh-xang-dau/811545.vnp