Những sản phẩm công nghệ thông tin Việt Nam hãy xem thị trường thế giới là nơi cung cấp dịch vụ và “đầu tư nhanh thắng nhanh”, để phát triển và tồn tại lâu dài hơn.
Chiều 6/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV.
Với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu,” diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 8/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tp. Hà Nội.
Các chủ đề sẽ được trình bày và tập trung thảo luận tại diễn đàn bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn kinh tế trong nước và quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia; Giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; Hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và các BigTech để đưa sản phẩm Make in Viet Nam ra thị trường quốc tế…
Các diễn giả tại diễn đàn là đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường trong và nước ngoài; là đại diện đến từ các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như là Google, Samsung, Mediatek…
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, điểm mới của diễn đàn năm nay là được tổ chức theo hình thức trức tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Cũng tại sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.
Chia sẻ về những lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng Make in Viet Nam, đại diện công ty Metric – công ty chuyên về nền tảng Số liệu E-Commerce cho biết, việc này là một cơ hội tốt để cho Metric nói riêng và các công ty công nghệ nói chung có được những đánh giá đóng góp của các chuyên gia khắp nơi trên thế giới.
Metric đã đạt được rất nhiều kết quả trong suốt quá trình tham gia cuộc thi Make in Viet Nam. Công ty cũng mong muốn và đề xuất chươn trình sẽ đồng hành sâu rộng hơn cho các doanh nghiệp hay có những buổi kết nối, tư vấn chuyên sâu hơn từ các chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực.
Thông tin thêm về sự kiện, ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ thời điểm diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên đến nay, tuy chưa thống kê được số sản phẩm CNTT Việt Nam đã ra thị trường thế giới nhưng có khoảng 1.400 doanh nghiệp Make in Vietnam có sản phẩm xuất đi toàn cầu.
Bàn về kỳ vọng về Diễn đàn sắp tới, ông Nghĩa, đã lấy ví dụ về start up Singapore và Việt Nam. Theo đó, câu hỏi những start up Việt Nam nhận được khi tham dự các cuộc thi về công nghệ thông tin là sản phẩm này bán ở thị trường Việt Nam được bao nhiêu, nhưng start up của Singapore lại được hỏi rằng: “Sản phẩm này có bán được ở thế giới hay không?”.
Vậy nên, ông Nghĩa mong muốn những sản phẩm công nghệ thông tin Việt Nam hãy xem thị trường thế giới là nơi cung cấp dịch vụ. Khi bước ra một sân chơi lớn, doanh nghiệp hãy “đầu tư nhanh thắng nhanh”, để biết được mức độ cần cố gắng để phát triển và tồn tại lâu dài hơn.
Lê Thanh Hồng