Các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng bị xâm phạm nhãn mác nhiều nhất/Ảnh minh hoạ
“Từ đầu năm đến nay, doanh thu VNPOFood giảm mỗi tháng 20% vì khoảng 10 sản phẩm nhái nhãn mác nhưng không biết kêu ai”, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc VNPOFood, đơn vị sở hữu nhãn hiệu dầu gấc VinaGa, than vãn tại một hội thảo về vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hoá.
Tại buổi “Tọa đàm truyền thông tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa” do Diễn đàn người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 23/11, vấn đề hàng “nhái”, nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả lại được xới xáo thêm một lần nữa.
Dầu gấc bị… “xào” thương hiệu
Ông Nguyễn Công Suất cho biết thêm những người làm giả nhãn mác dầu gấc của công ty ông trắng trợn đến mức chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì. Hành vi này đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
“Tôi chỉ là một bác sĩ, rất lúng túng trong xử lý vấn đề. Doanh thu giảm, lại đã bỏ ra rất nhiều chi phí xây dựng thương hiệu mấy năm trời mà giờ đành bất lực vì thương hiệu có nguy cơ mất trắng”.
Tại buổi toạ đàm nêu trên, tình trạng nhãn mác bị làm giả, làm “nhái”, bị xâm phạm trắng trợn dù đã được đăng ký bảo hộ độc quyền không còn là câu chuyện riêng của VNPOFood.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nói: “Hà Nội hiện có khoảng 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), hơn một nửa trong số này còn mù mờ về các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ”.
Sự “mù mờ” như ông Mạc Quốc Anh nói có nhiều nguyên nhân: doanh nghiệp thờ ơ không đăng ký sở hữu trí tuệ hoặc đã đăng ký nhưng khi vi phạm thì không biết trình tự, cách thức xử lý như thế nào.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, phân tích: “Những doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính không việc gì không làm nhái. Bởi họ không phải khai phá và phát triển thị trường nhưng bán được giá cao. Thêm nữa, các đơn vị sản xuất hàng nhái luôn luôn chiết khấu cho các đại lý hoa hồng rất cao nên đại lý thường thích bán sản phẩm nhái chứ không mấy mặn mà với sản phẩm chính hãng. Thực tế này đang làm các cho doanh nghiệp chân chính điêu đứng”.
Ông Nguyễn Đắc Lộc thông tin thêm hiện nay, các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng bị xâm phạm nhãn mác nhiều nhất. Không riêng trường hợp của VinaGa mà nhiều sản phẩm khác bị nhái như Sâm nhung bổ thận Trung ương 3, sản phẩm hoạt huyết dưỡng não của công ty Traphaco… Những sản phẩm nhái nhãn mác tràn lan tại các chợ bán buôn thuốc trên địa bàn Hà Nội như Hapulico hay chợ thuốc Ngọc Khánh.
Theo báo cáo công tác của Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 116.730 vụ; phát hiện, xử lý trên 93.350 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng; thu nộp ngân sách nhà nước trên 380 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm về dán nhãn sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng là khá phổ biến.
“Bốc thuốc” cho bệnh “mù mờ”
Trả lời câu hỏi của Giám đốc VinaGa Nguyễn Công Suất: “Khi doanh nghiệp bị xâm phạm nhãn mác hàng hoá thì làm thế nào?”, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trước tiên doanh nghiệp phải có đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn mác sản phẩm của đơn vị mình.
Sau khi đã hoàn thành đăng ký sở hữu trí tuệ, nếu phát hiện nhãn mác sản phẩm của đơn vị mình bị vi phạm, doanh nghiệp đến Trung tâm nghiên cứu sở hữu trí tuệ thuộc Cục Sở hữu trí tuệ để xác định có sự giả mạo.
“Kết quả giám định là chứng cứ ban đầu cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi, ví dụ như bên quản lý thị trường, công an, toà án”, ông Nguyễn Văn Bảy nói. Ông Bảy cũng nhấn mạnh Cục Sở hữu trí tuệ không có chức năng nhiệm vụ xử lý hành vi xâm phạm nhãn mác.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, bổ sung: “Các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi nói trên là cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có chữ thanh tra. Đồng thời, chủ sở hữu nhãn hiệu bị vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn nào thì trình báo với quản lý thị trường tại địa bàn đó”.
Nói về quy trình xử lý vi phạm nhãn mác, ông Lộc chỉ rõ trình tự: sau khi có xác nhận nhãn hiệu đã bị xâm phạm từ Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài liệu đó đến cơ quan quản lý thị trường. Đầu tiên, cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý trên khâu lưu thông để chứng minh rằng sản phẩm vi phạm đã được bán trên thị trường. “Khi sản phẩm vi phạm bán ra thị trường, tức là anh đã đưa vào mục đích kinh doanh rồi. Đây là căn cứ để cơ quan chức năng đến tận cơ sở sản xuất của họ để xử lý trực tiếp khâu sản xuất. Tuỳ mức độ nặng, nhẹ, để xử lý nhưng nặng nhất có thể chuyển sang xử lý hình sự”, ông Lộc nói.
Vị lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường cũng nhấn mạnh một điều kiện bắt buộc là phải có đơn khiếu nại của chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm thì cơ quan chức năng mới có thể kiểm tra, xử lý. Và nếu không yêu cầu thì không làm được. Đối với hành vi vi phạm phải yêu cầu cũng giống như trộm vào nhà mình phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền. Khi Viện sở hữu trí tuệ đã cấp cho doanh nghiệp A xác nhận đơn vị B đã xâm phạm quyền nhãn hiệu của mình thì B cầm toàn bộ kết luận và đơn sang cơ quan Quản lý thị trường, sẽ được xử lý.