Với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu xuất khẩu cao hơn năm trước.
Đơn hàng phục hồi, doanh nghiệp phấn khởi
Cuối tháng 3/2024, các doanh nghiệp dệt may đang tích cực sản xuất khi đơn hàng ổn định hơn trước. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp đã đủ cho sản xuất đến quý II/2024.
“Mới đây, khách hàng Trung Đông có hẹn báo giá cho đơn hàng số lượng khoảng 2 container 40 feet. Đây là khách hàng truyền thống cũng hứa hẹn khởi đầu tốt cho năm 2024”, ông Phạm Quang Anh nói.
Về số lượng, đơn hàng của doanh nghiệp quý I/2024 không nhiều như cùng kỳ năm 2022 nhưng gấp đôi so với năm 2023. Giá đơn hàng hiện vẫn khá thấp, doanh nghiệp làm chủ yếu lấy công làm lãi để giữ chân khách hàng, ổn định lao động và sản xuất trong lâu dài chứ không “ngóng” kiếm lợi nhuận nhiều.
Theo ông Phạm Quang Anh, đây là kết quả sau nhiều hoạt động xúc tiến thương mại từ online, offline trong việc gặp gỡ trực tiếp mới phát triển được tại các thị trường như Malaysia, Campuchia, Singapore. Mặc dù đơn hàng chưa đạt như kỳ vọng song hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý II và toàn bộ lực lượng lao động đang tăng ca đều.
Mặc dù kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm có tích cực, tuy nhiên ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đơn hàng hầu hết được doanh nghiệp chuẩn bị trước Tết Nguyên đán. Đồng thời, hiện một số nhà mua hàng lớn đang có ý định chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Việt Nam là một trong số các lựa chọn, do vậy doanh nghiệp trong nước kỳ vọng đơn hàng sẽ “sáng sủa” hơn nữa trong thời gian tới.
Chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư-Thương mại Dệt may Thành Công cho biết đơn vị đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quý 1 và đang đàm phán đơn hàng cho quý 2.
“Với tín hiệu khởi sắc của thị trường trong những tháng qua sẽ giúp doanh nghiệp từng bước vượt khó và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới,” ông Tùng thông tin.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, lượng đơn hàng của đơn vị đã được ký đến hết tháng 6 nhờ, trong đó nhiều đối tác lớn tại Mỹ như Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco… đang đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác cung cấp sản phẩm may mặc. Với lượng đơn hàng gia tăng như vậy, đơn vị đang dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân.
Trong khi đó, ông Nguyên Đức Trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ cũng nhìn nhận những cơ hội của thị trường khi dấu hiệu tiêu dùng mặt hàng này tại một số nơi đã ấm dần.
Đầu tư sản xuất đi vào chiều sâu
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022.
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của tập đoàn là kiên định thực hiện một cách tốt nhất những giải pháp đã đề ra và tiếp tục theo dõi, dự báo tình hình để ứng phó linh hoạt.
Trong mọi trường hợp, khi xác định khó khăn kéo dài, các giải pháp thông thường không hiệu quả cần nghĩ đến bài toán tái cơ cấu. Rà soát soát lại mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa tỷ lệ lao động gián tiếp, đồng thời tập trung vào công tác thị trường.
“Cầu dệt may giảm chắc chắn dẫn đến cạnh tranh cao trong việc giành đơn hàng, công tác thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các đơn vị cần củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược bài bản trong việc xác định phân khúc sản phẩm, phát triển thị trường và khách hàng mới”, ông Hiếu nói.
Với mức tăng trưởng 15% trong 2 tháng đầu năm 2024, báo cáo của Bộ Công Thuong cho rằng tín hiệu thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự khởi sắc so với năm 2023, tạo tiền đề tốt để ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay.
Song trước các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, các đơn hàng trở lại gần đây cho thấy ngành dệt may đang tiếp tục phục hồi. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.
Giai đoạn từ năm 2031 đến 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024, Hiệp hội đang đưa ra kịch bản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD trên cơ sở nhiều thị trường và đơn hàng đã quay lại.
Dự báo, nước ta sẽ ký thêm một số hiệp định thương mại với một số nước khác, đây là yếu tố tích cực khi sân chơi toàn cầu được mở ra toàn diện, ngành dệt may Việt Nam sẽ lan tỏa theo thị trường, theo hiệp định thương mại.
Nguyễn Thành Nhân