Thời gian của năm 2023 không còn nhiều, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, các ngành chức năng cần chỉ đạo sát, thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… để kinh tế Việt Nam tăng trưởng với mức cao nhất, tạo đà trong những năm tới.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng tích cực
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được trong 10 tháng năm 2023 là tích cực, nhiều chỉ tiêu có chuyển biến tốt. Theo đó, bức tranh kinh tế có nhiều điểm sáng, phản ánh quá trình phục hồi của nền kinh tế đang theo chiều hướng tích cực, tạo đà cho quá trình phục hồi hoàn toàn và phát triển ổn định trong năm 2024.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp 10 tháng có phục hồi nhẹ, tốt hơn so với 9 tháng khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 10 tháng năm 2023 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với 9 tháng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư nước ngoài thực hiện vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, giữ vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng trong 3 tháng cuối năm. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 479,3 nghìn tỷ, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, vốn FDI thực hiện 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Điều này phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư an toàn, đầy triển vọng của Việt Nam.
Cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại quốc tế cũng là điểm sáng với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 557,9 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so với mức giảm 11% của 9 tháng năm 2023. Đặc biệt nhập khẩu tư liệu sản xuất quý III/2023 cao hơn quý II/2023 cũng là dấu hiệu phản ánh sản xuất trong nước đang tốt dần lên.
Trong 10 tháng năm 2023, kinh tế Việt Nam giữ được môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp hơn khá nhiều mức lạm phát mục tiêu. Từ đó, tạo cơ sở thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế nước ta trong 10 tháng năm 2023 vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khu vực doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra và vốn sản xuất. Trong 10 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm. Tổng mức bán lẻ yếu, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét.
Tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2023 tăng 9,4% thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2023. Loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng 2023 chỉ tăng 6,9% thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với 9 tháng 2023. Trong khi đó cùng kỳ 10 tháng năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 20,8%, loại trừ yếu tố giá tăng 16,7%.
Theo báo cáo của Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV, có thể nhận thấy 5 thách thức chính từ bên ngoài vẫn hiện hữu như: xung đột tại Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn phức tạp và gần đây nhất là xung đột tại Trung Đông; giá cả, lạm phát dù giảm nhưng còn ở mức cao, khiến lãi suất neo cao; tài khóa (nợ công, nợ tư, thâm hụt ngân sách) còn cao; kinh tế EU phục hồi chậm; an ninh năng lượng, lương thực và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn là những mối lo thường trực. Những thách thức này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam.
Tuy vậy, trong 2 tháng cuối năm, các đối tác thương mại của kinh tế Việt Nam sẽ tăng chi tiêu vào các dịp lễ cuối năm và đón chào năm mới nên các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng cả năm.
Khẩn trương thực hiện các giải pháp
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, chỉ còn 2 tháng kết thúc năm 2023, do đó, Chính phủ, các địa phương và khu vực doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung nguồn hàng và tìm kiếm thị trường, tận dụng tối đa nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào tháng cuối năm của các đối tác thương mại truyền thống và thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu. Điều này góp phần giảm thiểu tác động của suy giảm tổng cầu thế giới đối với tăng trưởng.
Đối với giải pháp về kích cầu xuất khẩu, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng tới xuất khẩu; đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn; đồng thời, tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến với toàn cầu.
Về kích cầu tiêu dùng nên hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.
“Giảm giá hàng tiêu dùng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế, đồng thời phát huy hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế VAT. Vì vậy, cần khẩn trương thực hiện giải pháp này”, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp. Với ưu điểm về tính chủ động trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ có giải pháp phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với các giải pháp kích cầu, Chính phủ thực thi hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn bên cung của nền kinh tế; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. Xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, chuẩn bị nguồn hàng, thực hiện chính sách khuyến mại và giảm giá hàng tiêu dùng, thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng cho vay tiêu dùng để thúc đẩy tổng cầu trong nước của thị trường 100 triệu dân.
Một trong những giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng đó là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Mới đây, việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và khu công nghệ cao tại Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng khẳng định sự sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam cùng cụ thể hóa hoạt động hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thúy Hiền