Home Ấn tượng 24H Dự án đội vốn hơn 3.800%: Hàng loạt vấn đề được bóc...

Dự án đội vốn hơn 3.800%: Hàng loạt vấn đề được bóc tách

0

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017 trước Quốc hội chiều 20/05, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số thu cân đối đạt 1.683.045 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách là 1.681.414 tỷ đồng, bội chi ngân sách 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: “Hiện vẫn xảy ra tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền, phê duyệt án chưa đúng quy định, có dự án hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, chính xác, thiết kế, dự toán còn sai sót, hình thức lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, tình trạng xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác chưa được khắc phục, có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Về bội chi ngân sách, cơ quan thẩm tra lưu ý bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chưa thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay. Chính phủ cần lưu ý để quản lý, điều hành ngân sách nhà nước hiệu quả hơn. Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách. Điểm danh những dự án đội vốn “khủng”, đầu tiên là tình trạng phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, như tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá có tới 19/33 dự án thuộc chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2015 – 2017.

Tiếp đó là hiện tượng dự án được duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn diễn ra khắp nơi từ Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Hải Dương…

Tình trạng phê duyệt không đúng thẩm quyền như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 10 dự án, riêng TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã có 3 dự án.

Cùng với đó là hiện tượng phê duyệt dự án khi không phù hợp quy hoạch vùng hoặc chưa đúng quy định, thậm chí sai quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt như trường hợp dự án khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm do UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt (vượt 67,3 ha so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt). Sau đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vượt thêm 4,2 ha.

Sốc nhất trong bản báo cáo này là tình trạng đội vốn kéo dài tại dự án Trung tâm Đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) TP. Nha Trang (điều chỉnh tới 4 lần, tăng 268 tỷ đồng ) hay dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh tăng tới 3.956 tỷ đồng, tương đương 233%…

Đối với dự án Trung tâm Đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại TP. Nha Trang, nếu xét về số lượng tiền điều chỉnh tổng mức đầu tư, dù không quá lớn, song nếu xét theo tỷ lệ phần trăm thì mức tăng tương đương 3.834% (từ 7 tỷ đồng lên 275 tỷ).

Hai dự án khác cũng được KTNN liệt vào danh sách cá biệt nữa là dự án tại huyện Mường Lát và một dự án tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa) khi tổng dự toán được duyệt lại vượt tổng mức đầu tư.

Trước đó, một dự án khác là dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo cũng được TP. Hà Nội, tổng mức đầu tư tăng hơn 16.100 tỷ đồng (tại thời điểm giữa tháng 08/2018)…

Có thể thấy, việc cân đối nguồn ngân sách cho các dự án đầu tư cơ sở, hạ tầng là điều rất quan trọng trong việc chống lãng phí nguồn lực của đất nước, tập trung nguồn lực cho phát triển cách ngành kinh tế khác đồng thời giảm gánh nặng nợ công.

Theo Quân Vương/Thời báo chứng khoán