Home Ấn tượng 24H Dự án Khu du lịch sinh thái tại Mũi Né, hơn 14...

Dự án Khu du lịch sinh thái tại Mũi Né, hơn 14 năm vẫn chưa xong

0

Được giao đất từ năm 2004 và khởi công từ năm 2011, Dự án Khu du lịch sinh thái tại Mũi Né, Phan Thiết do Công ty CP Khách sạn và Du lịch Bảo Việt làm chủ đầu tư hiện vẫn đang dừng thi công và chưa biết thời gian hoàn thành. Điều đó cũng có nghĩa số vốn bỏ ra cho Dự án vẫn chưa thể sinh lời suốt 14 năm qua.

Dự án Bảo Việt Resort được xây dựng tại khu phố 5, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

Dự án nêu trên được xây dựng trên khu đất rộng 37.942,68 m2 tại khu phố 5, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là đất giao có thu tiền sử dụng trong thời hạn 50 năm, từ ngày 3/2/2005 đến ngày 3/2/2055. Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư từ ngày 7/12/2004 với kỳ vọng tạo lập một khu khách sạn, nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch, giải trí gắn liền với môi trường tự nhiên theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao.

Tuy nhiên, đến năm 2011, Dự án mới chính thức được khởi công và triển khai thi công một số hạng mục chính. Không lâu sau, do chưa thu xếp được nguồn vốn vay vì lãi suất quá cao, đồng thời phương án kinh doanh được phê duyệt năm 2008 không phù hợp, Dự án đã phải dừng thi công. Đến ngày 17/11/2014, Dự án tiếp tục được thi công lại và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Đến ngày 27/11/2015, HĐQT của Công ty đã ra nghị quyết về việc ngừng triển khai để rà soát tổng thể Dự án. Dự kiến trong tháng 6/2019 Dự án sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay Dự án vẫn đang tạm dừng và chưa được tiếp tục triển khai.

Theo báo cáo tài chính quý III/2018, chi phí xây dựng của Dự án tính đến 30/9/2018 được ghi nhận là 95,44 tỷ đồng (tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 167,7 tỷ đồng).

Trong khi đó, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy, tính đến thời điểm cuối quý III/2018, tổng tài sản của Chủ đầu tư là 111,8 tỷ đồng (trong đó nợ phải trả là 49,1 tỷ đồng), các khoản tương đương tiền chỉ còn khoảng hơn 300 triệu đồng. Nhiều năm qua, Công ty gần như không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào, trong khi vẫn phải trả chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn đến lỗ lũy kế tại thời điểm 30/9/2018 là 13,1 tỷ đồng.

Được thành lập ngày 7/10/2005 nhằm thực hiện Dự án, cổ đông sáng lập của Công ty gồm 3 doanh nghiệp là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), HabuBank (sau này được sáp nhập vào Ngân hàng SHB). Vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng. Năm 2008, ĐHĐCĐ Công ty đã chấp thuận cho phép Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) tham gia trở thành cổ đông của Công ty với tỷ lệ vốn góp là 30%.

Được biết, trong danh sách cổ đông của Công ty tính đến ngày 31/12/2018 đã không còn Bảo Việt. Cụ thể, Hanoi Tourist nắm giữ 1.800.000 cổ phần (tương đương 23,75%), HUD sở hữu 1.500.000 cổ phần (tương đương 19,79%), SHB nắm giữ 600.000 cổ phần (tương đương 7,91%) và một cổ đông khác nắm giữ 3.680.329 cổ phần (tương đương 48,55%).

Hiện vẫn chưa có thông tin về việc 48,55% vốn của Công ty đã được chuyển nhượng cho bên nào, giá chuyển nhượng là bao nhiêu. Phiên đấu giá 48,55% vốn của Công ty đã diễn ra vào ngày 26/11/2018. Trước phiên đấu giá, có 3 nhà đầu tư quan tâm tới đợt bán vốn này. Trong đó, một tổ chức trong nước đăng ký mua toàn bộ số cổ phần được bán ra (3.680.329 cổ phần) và 2 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua vào 7.360.658 cổ phần.

Ngày 7/3 tới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên bán đấu giá hơn 4 triệu quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức của Công ty do Hanoi Tourist sở hữu, với giá khởi điểm là 760 đồng/quyền mua. Được biết, đây là số quyền mua mà Hanoi Tourist được hưởng trong đợt phát hành 14,2 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 04/2017/NQ-ĐHCĐ ngày 17/8/2017. Cùng với việc thoái toàn bộ vốn của một số cổ đông lớn, việc huy động vốn để tiếp tục triển khai Dự án không phải là chuyện dễ và triển vọng của Dự án này là khá mù mịt.

Theo Thế Anh/Báo Đấu thầu