Các nền tảng số ứng dụng đang được phát triển mạnh mẽ, tập trung vào nội dung cốt lõi là dữ liệu và dữ liệu là yếu tố đột phá cho phát triển kinh tế số.
Sáng 21/9, Hội thảo về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023 với chủ đề “Dữ liệu số – Nền tảng phát triển tài chính số bền vững” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính.
Hội thảo nhằm góp phần đẩy mạnh triển khai Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 và đưa ra những chiến lược, giải pháp tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành Tài chính nói chung, lĩnh vực thuế nói riêng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, đồng thời giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Ông Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh “với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số được thực hiện dựa trên dữ liệu, vì vậy vai trò của dữ liệu ngày càng được khẳng định và chính sách về dữ liệu có vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay; dữ liệu được coi là “trái tim” của chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, quá trình thực hiện chuyển đổi số, hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, trong cả khối nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Các nền tảng số ứng dụng đang được phát triển mạnh mẽ, tập trung vào nội dung cốt lõi là dữ liệu.
Cùng với đó, Việt Nam đã coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả và bền vững.
Cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Việc khai thác các tiềm năng của dữ liệu sẽ là sự cộng hưởng lớn đối với quá trình chuyển đổi số của Việt Nam để hướng tới sự chuyển đổi theo mục tiêu bền vững và kiến tạo tài nguyên số cho tương lai.
Đây cũng là cơ hội để nước ta tìm ra không gian phát triển mới để tiếp cận nhanh, đón đầu xu hướng, khai thác và sử dụng dữ liệu số làm động lực mới, cơ hội mới, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển.
Trên thế giới và ở Việt Nam, tài chính số đang ở trong giai đoạn phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài chính số cải thiện sự ổn định của hệ thống tài chính, mang lại các lợi ích cho người sử dụng các dịch vụ tài chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, chính phủ và nền kinh tế nói chung; tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính, đặc biệt đối với các đối tượng có thu nhập thấp, góp phần quan trọng thực hiện tài chính toàn diện.
Vì vậy, ông Hiển mong rằng thời gian tới sẽ từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu để thị trường dữ liệu là yếu tố đột phá cho phát triển kinh tế số và kích thích thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực. Song song với đó là xây dựng và củng cố, hoàn thiện hạ tầng dữ liệu tại các bộ, ngành, địa phương.
Trần Thị Tú Anh