Với nhiều ưu điểm, tiện lợi trong thanh toán, đặc biệt là thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng đang ngày một phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, nếu lỡ đánh mất hoặc bị sao chép thông tin ghi trên thẻ vào tay kẻ xấu hoặc thẻ bị “hack”…, chủ thẻ sẽ phải trả giá rất đắt.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã ra thông báo về việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm người nước ngoài, trong đó chủ yếu liên quan đến tội phạm trộm cắp thẻ tín dụng trên địa bàn thành phố…
Không chỉ người nước ngoài bị mất số tiền lớn từ thẻ tín dụng, nhiều người Việt cũng sơ suất trong việc sử dụng thẻ tín dụng.
Anh Hoàng Anh, trưởng phòng PR của một doanh nghiệp lớn nhớ lại, cách đây mấy tháng anh vừa ngủ dậy thì phát hiện tin nhắn từ ngân hàng báo mình vừa mua hàng ở tận một quốc gia châu Âu. Anh vội vàng gọi điện thoại lên ngân hàng, báo khóa thẻ khẩn cấp. Dù khi làm thẻ, tư vấn viên luôn khoe rằng ngân hàng có hệ thống chăm sóc khách hàng tốt, có thể khóa thẻ 24/24h. Tuy nhiên cũng phải mất nhiều giờ sau đó, tài khoản của Hoàng Anh mới được khóa. Và đối tượng đã thực hiện trót lọt thêm một số giao dịch khác. Tổng thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng.
Lục tìm nguyên nhân sự việc, anh Hoàng Anh soát lại những lần “chăm sóc” đối tác, đi mua bán ăn uống. Và sau mỗi bữa ăn, Hoàng Anh thường đưa thẻ cho nhân viên đi “quẹt”. Nhiều khả năng sơ suất này khiến anh bị lộ thông tin trên thẻ và dẫn đến bị đối tượng xấu sao chép thông tin, mang đi mua hàng bừa bãi.
Thời gian gần đây, một số chủ thẻ tín dụng còn đua nhau đi rút… tiền mặt để tiêu. Vốn việc này không được ngân hàng khuyến khích và sẽ bị tính phí rút rất cao. Do đó, họ sẽ liên hệ với các đầu mối có sử dụng dịch vụ thanh toán qua máy POS để mua hàng khống, từ đó rút tiền mặt để sử dụng.
Điều này vô hình trung đã làm thiệt hại cho các ngân hàng, đồng thời cũng khiến tăng nguy cơ bị lộ, lọt thông tin của thẻ tín dụng. Nhiều chủ thẻ sau khi rút được tiền mặt một, hai lần liền sau đó liên tiếp phát hiện có ai đó đã dùng thẻ của mình để đi mua hàng lung tung. Họ buộc phải liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ. Và dĩ nhiên trong thời gian khiếu nại, chủ thẻ vẫn phải thanh toán đầy đủ cho ngân hàng, tránh bị phạt lãi suất rất cao.
Một vụ việc từng gây xôn xao dư luận có liên quan đến việc mất cảnh giác khi sử dụng thẻ tín dụng và phải trả giá đắt. Đó là vụ việc một nhân viên nhà hàng đã trộm thẻ tín dụng của khách để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng cách đây ít lâu.
Tháng 5/2019, nhóm 7 ngân hàng của Việt Nam có số lượng thẻ ATM chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước đã đăng ký chuyển đổi với Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (Napas) từ thẻ từ sang thẻ chip theo chuẩn EMV. Theo Napas, ưu điểm của thẻ chip là thông tin nằm trong chip được mã hóa và chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ và thẻ chip không thể làm giả được. Việc chuyển sang sử dụng thẻ chip sẽ khắc phục được tình trạng tội phạm thẻ đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả nhằm rút trộm tiền. Theo một chuyên gia tội phạm học, việc phát hành thẻ chip trên các thẻ thanh toán nói chung, thẻ tín dụng nói riêng đã được nhiều ngân hàng trong và ngoài nước áp dụng từ lâu. Song, những thẻ này chỉ ngăn được tội phạm sao chép thông tin khi “quẹt” tại các điểm thanh toán. Còn nếu thẻ rơi vào tay kẻ xấu thì nguy cơ bị quẹt đến hết hạn mức tín dụng vẫn còn hiện hữu.
Theo Hoài Dương/Thời báo chứng khoán