Tổng doanh thu của EVN năm 2018 ước đạt 340.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017, trong đó doanh thu bán điện khoảng 333.000 tỷ đồng, tăng 14,6%.
EVN báo doanh thu 2018 đạt 340.000 tỷ, lợi nhuận vượt chỉ tiêu
Tổng doanh thu trên 340.000 tỷ đồng, tăng 15%
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng doanh thu toàn tập đoàn năm 2018 ước đạt 340.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017, trong đó doanh thu bán điện khoảng 333.000 tỷ đồng, tăng 14,6%.
Tổng giá trị tài sản EVN ước tính đến cuối năm 2018 là 702.836 tỷ đồng (tăng 0,18% so với năm 2017), trong đó vốn chủ sở hữu là 218.091 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2017). Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,22 lần, tỷ lệ tự đầu tư 31,03%.
Phía EVN cho biết, lợi nhuận của công ty mẹ – EVN vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; các tổng công ty trực thuộc đều có lợi nhuận đạt kế hoạch.
Tập đoàn này nộp ngân sách khoảng 20.170 tỷ đồng trong năm 2018.
Về công tác thoái vốn, năm qua, EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức thu về 77,51 tỷ đồng và thặng dư vốn 31,56 tỷ đồng; đang tiếp tục thực hiện các thủ tục thoái vốn tại: EVNFinance (7,5% vốn điều lệ); Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình; Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 và 4.
Đối với công tác cổ phần hóa, EVN đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO3) và đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/10/2018.
Đối với Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO1) và Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO2), tập đoàn này đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, EVN cho biết tập đoàn vẫn còn những khiếm khuyết, hạn chế cần rút kinh nghiệm và khắc phục.
Thứ nhất, công tác đầu tư xây dựng không đạt kế hoạch. Cụ thể, dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng chưa đưa vào vận hành do tiến độ triển khai chậm; 2 dự án nguồn điện chưa khởi công được trong năm 2018 (Nhiệt điện Quảng Trạch I vướng mắc đền bù GPMB và Điện mặt trời Phước Thái chưa lựa chọn được nhà thầu).
Một số dự án nguồn điện không đáp ứng mục tiêu khởi công năm 2019 như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng do công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài.
Khối lượng các dự án lưới điện khởi công và hoàn thành trong năm 2018 đạt thấp do vướng mắc trong công tác điều chỉnh, bổ sung Qui hoạch, vướng mắc về đền bù GPMB (như: đường dây đấu nối Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, các đường dây 220kV sau các trạm 500kV Phố Nối, Việt Trì, Tây Hà Nội…).
Thứ hai, một số tổ máy phát điện xảy ra sự cố kéo dài gây ảnh hưởng đến cung cấp điện (Nhiệt điện Duyên Hải 1&3, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1) hoặc vận hành không tin cậy, thường xuyên bị suy giảm công suất (Nhiệt điện Vĩnh Tân 2&4)
Thứ ba, công tác cổ phần hóa và thoái vốn chưa đáp ứng mục tiêu kế hoạch đề ra do trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: các nội dung trong quá trình cổ phần hóa kéo dài (phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định tài sản loại ra, xử lý tài chính, công bố GTDN, lựa chọn tư vấn, kiểm toán nhà nước…); Việc tìm kiếm và thu hút nhà đầu tư chiến lược còn nhiều khó khăn; Một số qui định, hướng dẫn thực hiện chưa rõ và thiếu đồng bộ, trong đó chưa có quy định; Thời gian xem xét, phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền chặt chẽ, cần nhiều thời gian…
Nhiều khó khăn chờ đợi trong năm 2019
Bước vào năm 2019, EVN dự báo nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, tuy nhiên hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Vấn đề đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN, còn phụ thuộc rất nhiều các nhà máy điện ngoài EVN.
Cùng với đó, đến cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung không tích đủ nước dẫn tới với sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 2,56 tỷ kWh.
Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: khả năng cấp than trong nước thấp hơn nhu cầu gần 8 triệu tấn và phải nhập khẩu; nguồn khí trong nước đã suy giảm mạnh nhưng chưa có nguồn bổ sung.
Thêm nữa, các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, trong đó giá than, giá khí trong bao tiêu dự kiến tăng trong năm 2019.
Năm 2019 dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,4-7 tỷ kWh sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của EVN. Nhu cầu vốn các dự án điện rất lớn, nhưng việc thu xếp vốn tiếp tục khó khăn.
Mặc dù khó khăn, tuy nhiên EVN vẫn đặt kế hoạch tiêu thụ điện tăng ở mức khá. Cụ thể, điện sản xuất và mua mục tiêu đạt 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018; điện thương phẩm đạt 211,95 tỷ kWh, tăng 9,9%.
Về công tác đầu tư, EVN cho biết sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án, công trình nguồn và lưới điện, đặc biệt là các dự án phục vụ cấp điện cho miền Nam.
Theo đó, dự kiến đưa vào vận hành 5 tổ máy/1.560 MW, gồm: Nhiệt điện Duyên Hải III mở rộng, Nhiệt điện Vĩnh Tân IV mở rộng, Thủy điện Đa Nhim mở rộng (giai đoạn 2), Thủy điện Thượng Kon Tum.
Khởi công 3 dự án: Nhiệt điện Quảng Trạch I, Điện mặt trời Phước Thái 1, Điện mặt trời Sê San 4; Đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, phấn đấu khởi công năm 2020 các dự án: Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn IV.
Tiếp tục triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Nhiệt điện Ô Môn III, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Thủy điện Trị An mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch II, các dự án tại Trung tâm điện lực Tân Phước và các dự án điện mặt trời.
Hoàn thành 217 công trình và khởi công 230 công trình lưới điện 110-500kV. Tập trung thi công các công trình lưới điện trọng điểm, như: đường dây 500kV Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku 2, lưới điện đồng bộ Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; Các công trình đảm bảo cấp điện cho miền Nam, TP. Hà Nội và các khu vực phụ tải lớn; Các công trình phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện, đặc biệt nguồn NLTT.
Về công tác cổ phần hóa, EVN đặt mực tiêu thực hiện cổ phần hóa các GENCO theo kế hoạch, trong đó, đối với GENCO2: Trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quyết định cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp; Xây dựng phương án cổ phần hóa, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Đối với GENCO1, hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất; chuyển giao Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng từ EVN cho GENCO 1 sau khi được Thủ tướng chấp thuận; Trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quyết định cổ phần hóa.
Cùng với đó, tiếp tục thoái vốn của EVN và của các tổng công ty tại các công ty cổ phần, trong đó EVN hoàn thành thoái vốn còn lại tại EVNFinance (7,5% vốn điều lệ), Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 và 4.
Theo Thanh Long/VietnamFinance