Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương – Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h ngày 25/7.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu mazut.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng E5RON92 không cao hơn 21.900 đồng/lít (giảm 274 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 984 đồng/lít.
Xăng RON95-III không cao hơn 22.884 đồng/lít (giảm 294 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 20.194 đồng/lít (giảm 310 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Dầu hỏa không cao hơn 20.326 đồng/lít (giảm 338 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.178 đồng/kg (giảm 433 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 18/7/2024 – 24/7/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kỳ vọng về thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Trung Đông giữa Israel và Hamas; giá USD có xu hướng tăng lên; nhu cầu dầu của Trung Quốc có xu hướng giảm so với năm trước; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn,… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng giảm là chủ yếu.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 18/7/2024 và kỳ điều hành ngày 25/7/2024 là: 91,184 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,546 USD/thùng, tương đương giảm 1,67%); 95,604 USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,546 USD/thùng, tương đương giảm 1,59%); 96,640 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,966 USD/thùng, tương đương giảm 1,99%); 97,510 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (giảm 1,798 USD/thùng, tương đương giảm 1,81%); 498,926 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 15,572 USD/tấn, tương đương giảm 3,03%).
6 tháng đầu năm thực hiện 48% tổng nguồn xăng dầu được phân giao
Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tổng cộng là khoảng 28,44 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó: xăng dầu mặt đất (bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa) là khoảng 27,46 triệu m3/tấn; nhiên liệu hàng không (bao gồm Jet A1, xăng tàu bay) là hơn 980.000 m3.
6 tháng đầu năm, theo báo cáo của 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, sản xuất xăng dầu trong nước đạt 6,87 triệu tấn, tương đương khoảng 8,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhập khẩu xăng dầu các loại 6 tháng đạt 5,54 triệu tấn (tương đương khoảng 6,9 triệu m3 tấn), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023 – theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Nguyên nhân nhập khẩu xăng dầu tăng do từ tháng 4 năm 2024 nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng, các thương nhân tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung.
Như vậy, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.
Báo cáo tại cuộc họp với các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/7 cho thấy, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, giảm 0,28% so với 6 tháng đầu năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023 đạt 14,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại).
Lượng tiêu thụ 6 tháng đạt khoảng 13,2 triệu m3 tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,2 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), giảm khoảng 0,2% so với 6 tháng đầu năm 2023. Tồn kho tại thời điểm 30/6/2024 khoảng 1,85 triệu m3/tấn tương đương 6 tháng đầu năm 2023. Như vậy, lượng xăng dầu đã đáp ứng đúng theo nguồn cung được phân giao cũng như nhu cầu sử dụng trong 6 tháng đầu năm theo kế hoạch.
T.M