Ngày 16/2, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam, thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa. Đề xuất Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch đã được UNDP, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Dự án hướng đến mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các hoạt động truyền thông.
Ông Vũ Thế Bình cho biết, dự án gồm 3 hợp phần chính: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
“Những người làm du lịch phải đi tiên phong. Sau khi thí điểm áp dụng tại 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam, chúng ta sẽ xây dựng kế hoạch hành động và tiêu chí cụ thể cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện, nhân rộng ra toàn quốc. Sau đó sẽ trao danh hiệu doanh nghiệp xử lý rác thải tốt nhất. Đây là vinh dự và niềm tự hào cho các doanh nghiệp du lịch khi triển khai dự án này”, ông Vũ Thế Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia (Văn phòng điều phối Chương trình quốc gia) cho rằng, để thực hiện dự án này cần tiếp cận từ đầu nguồn thải. Nếu làm tốt công tác phân loại tại nguồn sẽ giảm được 60-70% lượng rác thải. Các doanh nghiệp du lịch phải tích cực vào cuộc. Xây dựng những sản phẩm du lịch giảm nhựa; thực hiện quảng bá chương trình thúc đẩy giảm rác thải trong lĩnh vực du lịch…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Hà Văn Siêu nhấn mạnh, đây là chương trình rất có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực phục hồi du lịch, gắn với tư duy mới, định hướng mới là phát triển du lịch xanh, bền vững. Dự án này có tác động thiết thực đối với ngành du lịch, đã quan tâm chú trọng đến chiều sâu để du lịch Việt Nam đi đúng hướng hơn, bền vững hơn; bám sát, tiệm cận với du lịch khu vực và thế giới, vươn lên xứng tầm.
Tổng cục Du lịch đã ban hành nhiều chương trình về phát triển du lịch làm sao đáp ứng kỳ vọng phát triển của ngành, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Ông Hà Văn Siêu kỳ vọng sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch, địa phương và vai trò trung tâm của Hiệp hội Du lịch Việt Nam để kết nối các chương trình, chính sách của ngành du lịch nhằm lan tỏa rộng rãi đến các cơ sở dịch vụ, người làm du lịch. Ngành sẽ ban hành tiêu chí quy định những nội dung cụ thể để triển khai dự án hiệu quả.
Diệp Anh