Giữa tuần qua, lần đầu tiên Việt Nam mở một “cuộc bàn tròn” quy mô quốc tế quy tụ hàng nghìn chuyên gia đầu ngành nhằm tìm lời giải cho bài toán phát triển du lịch bền vững – Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2018.
Hàng loạt giải pháp được đưa ra sẽ là bước đệm để du khách đến Việt Nam ngày càng đông, ở lâu, chi nhiều tiền.
Hai mảng màu sáng – tối
Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu như năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế thì đến năm 2017, con số này tăng lên 52 lần với 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Mục tiêu đến năm 2025 tổng thu cả ngành đạt 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo ra 6 triệu việc làm. Đây là những con số ấn tượng và trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn.
Du khách quốc tế tham quan phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Hồ Hạ
Theo Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam Kenneth Atkinson, Thái Lan mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại. Trong khi đó, ông cho rằng Việt Nam sẽ chỉ cần 7 năm để đạt được con số trên. Cũng theo ông, nhiều quốc gia thèm muốn thành tích tăng trưởng khách quốc tế 30% trong 3 năm liền cả Việt Nam, xếp thứ 6 trong Top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới.
Cố vấn cấp cao BCG John Lindquist đánh giá, khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 8 triệu lượt năm 2015 lên hơn 14 triệu lượt trong 11 tháng năm 2018. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ít so với các nước trong khu vực và doanh thu từ khách quốc tế chưa cao với chi tiêu cho mỗi chuyến đi trung bình khoảng 900 USD. Nhưng mức chi tiêu của khách tại Indonesia là 1.109 USD, tại Singapore là 1.105 USD, tại Thái Lan là 1.565 USD. Khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày; ở Thái Lan 9,6 ngày nhưng số tiền rất khác biệt. Chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ khoảng 96 USD/ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD.
“Để nâng cao quảng bá du lịch Việt Nam, Bộ VHTT&DL đã xây dựng đề án thành lập quỹ phát triển du lịch nhằm huy động nguồn lực công – tư. Khi đi vào hoạt động, quỹ này sẽ góp phần đẩy mạnh du lịch.” – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng
“Năm 1964, có 91.000 du khách đến thăm Singapore, khoảng 87.000 khách khác đến bằng đường biển. Nhưng nhờ ba yếu tố: Đa dạng thị trường; quy hoạch đề án và bắt kịp xu hướng người dùng, ngành du lịch Singapore đã phát triển nhanh chóng. Trong đó, điểm nổi bật là việc đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Tổng cục Du lịch Singapore có 21 văn phòng đại diện tại các nước, đang hướng nhiều tới châu Á – nhóm thị trường tiềm năng. Tổng cục Du lịch Việt Nam có thể cân nhắc việc mở rộng mạng lưới văn phòng du lịch để định hình thị trường.” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore Chang Chee Pey
“Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). Muốn gỡ điểm nghẽn quảng bá, trước tiên, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở nên nổi tiếng và đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu này đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, chúng ta cần nguồn ngân sách và có những chính sách phù hợp.” –Cố vấn cấp cao Boston Consulting Group John Lindquist
Tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước nhưng khách lại chi ít tiền là hai mảng màu sáng – tối của du lịch Việt cần được phát huy và tháo gỡ trong thời gian tới.
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Các chuyên gia cho rằng, 3 điểm nghẽn lớn nhất của du lịch Việt hiện nay là: Cơ sở hạ tầng, chính sách visa và nguồn nhân lực. Theo Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam Kenneth Atkinson, du lịch Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề về tính bền vững. Di sản thiên nhiên Hạ Long đang chịu cảnh ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền. Điểm hút khách du lịch quốc tế Sa Pa nay không còn đẹp như trước vì xây dựng khắp nơi ảnh hưởng đến cảnh quan. Ngay cả Phú Quốc, được ví như viên ngọc quý của Việt Nam nay cũng không còn đẹp như trước.
Ngoài ra, ông Kenneth Atkinson phân tích, con số dự đoán 30 triệu lượt khách quốc tế trong vòng 7, 8 năm tới sẽ chỉ xảy ra nếu Việt Nam sẵn sàng về cơ sở hạ tầng. Hiện tại, các sân bay ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phú Quốc đều đã quá tải. Là người có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành hàng không, Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines Lương Hoài Nam khẳng định cơ sở hạ tầng hàng không đang là một trong những “nút thắt” trong thu hút khách du lịch quốc tế. “Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc, sắp tới thêm một sân bay là Vân Đồn. Các sân bay khác đều được cải tạo từ sân bay quân sự cũ với quy mô hạn chế, khả năng mở rộng thấp. Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, tổng công suất 75 triệu khách mỗi năm, chỉ bằng một sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan hay Changi của Singapore” – ông Nam dẫn chứng.
Chưa hết, theo ông John Lindquist, Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú hích về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%. Ông cho rằng, Hội đồng tư vấn du lịch nêu ra nhiều đề xuất tốt như là bổ sung thêm quốc gia được miễn visa, mở rộng từ 15 – 30 ngày miễn. Visa quá cảnh tăng lên 72 tiếng – quá trình cấp Visa dễ dàng hơn.
Giám đốc Phát triển Đại học Fullbright Nguyễn Xuân Thành dẫn số liệu, năm 2000, tổng doanh thu ngành du lịch chỉ có 1,23 tỷ USD và tăng lên 22,71 tỷ USD vào năm 2017. Ông phân tích: “Nếu nhìn vào con số này thì thấy tăng trưởng ấn tượng, nhưng nếu lấy giá trị ngành du lịch tạo ra chia cho tổng lao động thì tăng trưởng năng suất khá thấp. Không chỉ so với các nước, năng suất lao động du lịch thậm chí còn thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam”.
Giải pháp số, marketing số
Về lâu dài, đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) Tuyết Vũ cho rằng, công nghệ đang ảnh hưởng lớn đến hành vi và thói quen của nhiều người. Trước khi đi đâu, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin. Sau đó, họ sử dụng di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội… 58% sử dụng tìm kiếm qua giọng nói để tìm hiểu về chuyến đi, 81% đọc bình luận, các bài viết quảng bá trước khi quyết định du lịch hay không…
Điều này đòi hỏi ngành du lịch cần biết dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị lên nền tảng số, thay đổi giao diện các nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng internet, quản trị hình ảnh du lịch trên mạng cũng như thiết kế các sản phẩm du lịch trực tuyến để nâng cao sự hiện diện trên các nền tảng số. Chính phủ cần đảm bảo các cơ sở hạ tầng thiết yếu để du khách có trải nghiệm di động mượt mà. Khu vực tư nhân cần đảm bảo là du khách có thể dễ dàng tiếp cận và book các hoạt động, tour, trải nghiệm trên thiết bị di động.
Đồng tình với những phân tích trên, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor James A. Kaplan góp ý, Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp số, dữ liệu nhân tạo, Big Data để tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng. Ông cho rằng, Chính phủ cần xem đến giải pháp số, marketing số.
Theo Hồng Hạnh/Kinh tế Đô thị