Trung thu đang cận kề, đây cũng là thời điểm một số tổ chức, cá nhân lợi dụng cung cấp bánh Trung thu, nguồn hàng nhập lậu, kém chất lượng, không có nguồn gốc xứ.
Thực hiện Công văn số 1823 của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 17, kiểm tra liên ngành, giao nhiệm vụ cho từng Đội Quản lý thị trường trong đợt cao điểm kiểm tra về thị trường hàng hóa dịp Tết Trung thu tới đây, nhất là về vấn đề an toàn thực phẩm.
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội – thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, đối tượng nằm trong diện kiểm tra đợt này là tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo liên quan đến mặt hàng phục vụ Trung thu trên địa bàn thành phố. Trong đó, đặc biệt quan tâm và tập trung vào kiểm tra là sản phẩm bánh Trung thu cũng như nguyên liệu, phụ gia sử dụng trong các cơ sở sản xuất tại nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, cũng như các khách sạn, nhà hàng chuyên sản xuất bánh Trung thu. Nếu xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, ngoài Đội Quản lý thị trường trên địa bàn thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng phải được làm rõ.
Trao đổi với VOV, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, thành viên Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra thị trường hàng hóa dịp tết Trung thu từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9.
“Kế hoạch số 17 là để chỉ đạo định hướng cho các Đội Quản lý thị trường phải có điều tra cơ bản tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh ở trên địa bàn, từ đó mới có cơ sở dữ liệu tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất. Vì kiểm tra đột xuất mới có hiệu quả. Những năm vừa qua, kiểm tra đột xuất đã bắt được rất nhiều kể cả trên tuyến lưu thông cho đến các cơ sở sản xuất liên quan đến chất lượng. Ở đây cũng có cả phần liên quan đến trách nhiệm của địa phương, và đặc biệt là Phòng Y tế của các quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm, cấp phép ra thì phải có kiểm soát, hậu kiểm, tránh tình trạng cấp ra rồi xong không kiểm soát được, mà có thể người ta đăng ký như này, nhưng sau khi người ra sản xuất thì không được đảm bảo theo tiêu chuẩn người ta công bố”, ông Trần Việt Hùng nêu rõ.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển bánh Trung thu, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm của toàn cộng đồng. Kịp thời cập nhật và nắm chắc diễn biến thực tế, phát hiện kiểm tra và xử lý nghiêm, phản ánh chính xác và đề xuất trung thực có hiệu quả cho các ngành, các cấp về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.
Các lựa chọn bánh trung thu an toàn
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong thông tin với Kinh tế đô thị, người tiêu dùng cần lưu ý khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu cần trang bị kiến thức để bảo đảm sử dụng bánh an toàn nhất.
Đặc biệt, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng chú ý các tiêu chí của sản phẩm, có nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
Ngoài ra, người tiêu dùng nên lựa chọn nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về bảo đảm ATTP như: Sản phẩm không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Mặt khác, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm.
Cùng với đó, người dân cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Người dân tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Ngoài ra, Cục ATTP cũng khuyến cáo, người dân nên bảo quản và sử dụng bánh Trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm.
“Người dân chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Không nên ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời”, Cục ATTP lưu ý.
Hương Anh (t/h)