Dự kiến các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc.
Thị trường nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng, thị trường quốc tế đang dần hồi phục
Báo Người Lao Động dẫn nguồn Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường hành khách 6 tháng đầu năm ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022; trong đó khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73,5% so cùng kỳ 2019; khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm nhẹ 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).
Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483 ngàn tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022, trong đó hàng hóa quốc tế đạt 405 ngàn tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2022; hàng hóa nội địa đạt 77,6 ngàn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.
Thị trường nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng so cùng kỳ 2019 trong khi thị trường quốc tế đang dần hồi phục, ở mức xấp xỉ 74% so cùng kỳ 2019 (năm trước dịch COVID-19).
Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang phục hồi với sự tham gia khai thác trở lại của nhiều hãng hàng không quốc tế, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các tháng 5, 6 đã đạt được gần 80% so cùng kỳ 2019.
Hiện các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng kế hoạch tăng chuyến so với lịch bay thường lệ, tập trung vào các đường bay có đến các điểm có nhu cầu du lịch lớn từ Hà Nội và Tp.HCM đến Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn, Tuy Hòa… trong đó có nhiều đường bay kết nối các điểm du lịch nhu Vinh-Phú Quốc/Cam Ranh, Thanh Hóa-Phú Quốc, Cần Thơ-Đà Lạt…
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định 6 tháng cuối năm, thị trường hàng không nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng dự kiến tăng 7-10%, thị trường hàng không quốc tế vẫn tiếp tục phục hồi với tốc độ sẽ nhanh hơn so với đầu năm nay. Dự kiến thị trường vận tải hàng không năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 76,3 triệu khách.
“Mặc dù vậy, thị trường hàng không vẫn tiềm ẩn một số yếu tố liên quan đến sự tăng trưởng của thị trường nội địa cũng như sự phục hồi của thị trường quốc tế. Cụ thể, xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách nội địa, sự cạnh tranh của các loại hình đường bộ với hàng loạt các tuyến cao tốc đưa vào khai thác, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, sự mất giá của đồng Yen (Nhật Bản), chính sách khuyến khích khách du lịch nội địa của Trung Quốc khiến dòng khách của các quốc gia có thị trường lớn này đến Việt Nam giảm”, ông Thắng nói.
Hàng không đẩy mạnh bay đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc
Hiện tại, có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ là ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và Châu Phi tới Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt. Một số thị trường có sự tăng trưởng cao so với trước dịch như Thái Lan, Indonesia, Úc (tăng 10-30% so với năm 2019), thị trường Nhật Bản đã đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019, một số thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Âu đang đang có sự hồi phục nhanh và đặc biệt là thị trường Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh.
Mặc dù vậy, một số thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục chậm hơn so với tổng thể. Từ lịch bay mùa hè 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động khai thác từ các sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh đến Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đặc biệt, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan và đáng chú ý là các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch.
Hơn nữa, các hãng hàng không Việt cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan.
Thông tin trên Vietnamnet, dự báo, trong các tháng cuối năm, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn các tháng đầu năm 2023.
Hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Việt Nam hướng đến mục tiêu đón 110 triệu lượt khách Theo số liệu trên VTV, quý I năm nay, 27,7 triệu người Việt Nam đã đi du lịch. Ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách trong năm 2023. Trong đó, khách du lịch nội địa dự kiến đạt khoảng 102 triệu lượt. Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2023 vừa kết thúc thành công đã góp phần tích cực hướng tới mục tiêu này. Vừa qua, 10.000 tour khuyến mại và một lượng lớn vé máy bay giá rẻ được tung ra trong 4 ngày của hội chợ. Trong phần khảo sát nhanh, doanh thu của 10 doanh nghiệp trong 4 ngày tại hội chợ đã chạm 45 tỷ đồng. Bên cạnh việc đẩy mạnh bán sản phẩm, đây còn là dịp để các doanh nghiệp lữ hành – vận tải – điểm đến bắt tay, kết nối với nhau chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Đây là lần thứ 10 Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam được tổ chức. |
Trúc Chi (t/h)