Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang thị trường Thái Lan liên tục tăng trưởng trong vài năm trở lại đây với kim ngạch từ 4 – 5 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu của Thái Lan. Theo các chuyên gia, nếu các DN Việt biết khai thác và chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường Thái Lan thì hoàn toàn có thể đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường này.
Người Thái thích thú với hàng Việt
Thái Lan là thị trường lớn cho DN Việt Nam XK hàng hóa bởi có những thuận lợi nhất định về địa lý cũng như nét tương đồng về văn hoá tiêu dùng. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Hàng hóa XK vào Thái Lan được hưởng ưu đãi thuế quan ASEAN, gần gũi khoảng cách vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt tại Thái Lan có đông Việt kiều sinh sống và sở hữu những siêu thị cung cấp hàng hóa cho chuỗi đại siêu thị Thái Lan. Đây chính là “cửa ngách” để DN đưa hàng Việt Nam vào Thái Lan tiêu thụ.
Những năm gần đây, nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC đã đầu tư mua lại hệ thống siêu thị tại Việt Nam như Big C, Metro… đây là cơ hội XK hàng Việt Nam vào Thái Lan thông qua các hệ thống phân phối của Thái Lan tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quan hệ đối ngoại & truyền thông Central Group Việt Nam Lê Mai Linh cho biết, nhiều mặt hàng của Việt Nam như điện thoại và linh kiện, máy vi tính đặc biệt là hàng nông, thủy sản đang được thị trường Thái Lan ưa chuộng… bởi ưu thế về chất lượng, bảo đảm nguồn hàng liên tục và giá rất cạnh tranh. Chẳng hạn mặt hàng khoai lang giống Nhật Bản của Việt Nam chất lượng tương đương hàng Nhật Bản nhập khẩu nhưng giá thấp hơn hẳn.
Ngoài các mặt hàng nông sản, nhiều sản phẩm của các thương hiệu Việt như sữa Vinamilk, đồ dùng học tập Thiên Long, bóng đèn Điện Quang… cũng được người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng. Theo Bộ Công Thương, chỉ sau một lần tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan do Bộ Công thương tổ chức, sản phẩm bóng đèn Điện Quang đã XK thành công sang Thái Lan, do có chất lượng tốt, giá phải chăng, đa dạng mẫu mã.
Thị phần thấp vì tâm lý “tự ti”
Mặc dù Thái Lan là thị trường rộng lớn cho DN XK hàng Việt thế nhưng DN Việt Nam chưa chú trọng khai thác thị trường này. Cụ thể, năm 2018 kim ngạch XK hàng Việt vào Thái Lan đạt 5,5 tỷ USD, riêng trong quý I/2019 kim ngạch XK đạt 1,39 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2018, thế nhưng con số này chỉ chiếm 2,2% thị phần nhập khẩu của Thái Lan.
Phân tích nguyên nhân khiến hàng Việt chưa thâm nhập sâu rộng vào thị trường này, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn cho biết: DN Việt chưa mạnh dạn XK sang Thái Lan do vẫn còn có tâm lý e dè cho rằng sản phẩm Thái Lan có với giá thành, chất lượng cạnh tranh hơn hàng Việt. Chính tâm lý “tự ti” này khiến nhiều mặt hàng XK của Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế hơn hàng Thái Lan nhưng thị phần chiếm không quá 10%.
Còn theo Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, hạn chế của hàng Việt Nam hiện nay không đến từ chất lượng mà từ sự am hiểu nhu cầu thị trường, mẫu mã sản phẩm của DN chưa đáp ứng thị hiếu người Thái Lan. Bên cạnh đó, hầu hết các DN Việt Nam chưa có chiến lược cụ thể và chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới. Chẳng hạn người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng thanh long quả nhỏ vừa một người ăn, có thương hiệu… thế nhưng nguồn hàng từ Việt Nam chủ yếu là quả size (cỡ) lớn và thương hiệu vẫn chưa được biết đến.
Để hàng hoá Việt Nam hiện diện nhiều hơn trên thị trường Thái Lan, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Bản thân các DN phải chủ động tìm hiểu nhu cầu mặt hàng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến mặt hàng sản xuất kinh doanh của DN để có chiến lược phù hợp. Đồng thời, chủ động đề xuất với Bộ Công Thương đàm phán với Chính phủ Thái Lan về việc rà soát giảm hoặc dỡ bỏ một số biện pháp phòng vệ thương mại, thuế quan, làm cơ sở để Bộ Công Thương đề xuất với các cơ quan liên quan của Thái Lan.
“Nếu DN Việt Nam có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ thị hiếu thì vẫn có cơ hội chinh phục người tiêu dùng Thái Lan. Chẳng hạn mặt hàng nước mắm Việt nguyên chất, chỉ có muối và cá, đây là điểm khác biệt với nước mắm Thái vốn pha chế nhiều thành phần.” – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan |
Theo Lê Nam/ Kinh tế đô thị