Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đặt quyết tâm cuối năm 2023 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4.
Ngày 17/8, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội họp giao ban tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tình hình thực hiện dự án.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã thu hồi giải phóng mặt bằng được 1.194,71/1.382,38 ha (86,42%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41,35%).
Về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng đã bám sát tiến độ trong kế hoạch chung. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đối với phần đất ở còn chậm, đặc biệt là việc đầu tư các khu tái định cư.
Việc khởi công thi công xây dựng công trình đã được Hà Nội triển khai đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng tại Hưng Yên và Bắc Ninh dự kiến chậm hơn khoảng 3-4 tháng.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, tỉnh đang quyết tâm hoàn thành các phần việc cần thiết để khởi công Dự án thành phần 2.2 trong tháng 9-2023.
Hiện nay, một trong những khó khăn rất lớn của tỉnh là phải di dời cơ sở của 17 doanh nghiệp, dự án. Ông Nghĩa cho biết, đây là phần việc rất phức tạp liên quan đến định giá tài sản. Tới đây, tỉnh sẽ thuê tư vấn để định giá tài sản trên đất làm căn cứ đền bù, hỗ trợ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, tỉnh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỷ đồng. Khó khăn, vướng mắc hiện nay là giá trị tổng mức đầu tư thực tế của dự án thành phần 1.3 dự kiến khoảng 5.354 tỷ đồng do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường (tăng 2.874 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư).
Do đó, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án cho phù hợp…
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cả 3 địa phương đều có quyết tâm cuối năm nay sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Đinh Tiến Dũng đề nghị hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh tập trung phối hợp với Bộ Xây dựng để hoàn thành thẩm định, phê duyệt dự án thành phần tổ chức đấu thầu, phấn đấu khởi công dự án vào tháng 9/2023.
Về bảo đảm vật liệu phục vụ thi công dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý phải tính toán tổng thể và cụ thể cho từng phần việc bảo đảm theo tiến độ. Về dự án PPP, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì báo cáo, làm việc với Hội đồng thẩm định Nhà nước để tháo gỡ các vấn đề liên quan…
Trưởng ban Chỉ đạo cũng lưu ý các tỉnh, thành phố chú trọng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra sai sót trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Nhấn mạnh “thời gian là vàng là bạc”, Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị phải cố gắng tập trung cao độ, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ dự án quan trọng này.
Nguyễn Hữu Thắng