Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng chưa cần thiết áp dụng quy định thắt chặt tín dụng kể từ ngày 1/1/2019.
Theo HoREA việc siết tỷ lệ từ 45% về 40% sẽ khiến cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thị trường bất động sản thu hẹp cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Lý do được đưa ra là tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 9% chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu 17% cả năm 2018. Tăng trưởng tín dụng bất động sản rất thấp, chỉ đạt 4,55% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
HoREA cũng phân tích cho quan điểm của mình, doanh nghiệp bất động sản hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng, và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng, mà phần lớn khách hàng cũng vay ngân hàng để mua nhà.
Thế nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động, nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường bất động sản.
Một điều nữa là việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế từ các quỹ đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn chưa khả quan. Đến nay, bên cạnh vài quỹ đầu tư tài chính nước ngoài, cả nước mới chỉ có một Quỹ đầu tư bất động sản là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ chỉ có 50 tỷ đồng.
Một thực tế đang tồn tại là các quỹ đầu tư chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi còn rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường bất động sản.
Do đó, HoREA quan ngại rằng, nếu quá siết chặt tín dụng bất động sản, thị trường có thể bị sốc.
Cho nên, HoREA đã gửi công văn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Trong công văn nêu rõ việc thực hiện Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, được sử dụng tối đa 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 150%.
Các năm 2016-2017 các ngân hàng thương mại được sử dụng tối đa lần lượt là 60-50% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Năm 2018 chỉ còn 45%. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.
Từ khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước mạnh tay siết chặt tín dụng vào thị trường bất động sản vào đầu năm 2019, thị trường có dấu hiệu giảm tốc cho thấy các doanh nghiệp đang sắp phải đối mặt với thách thức lớn
Trái ngược với quan điểm của HoREA, các chuyên gia tài chính ủng hộ siết tín dụng bất động sản với lộ trình như hiện nay và cho rằng là cần thiết.
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2014-2017 và đầu năm 2018 bất động sản đã liên tục có nhiều biểu hiện tăng trưởng nóng, các cơn sốt đất liên tục với diễn biến khó lường và thị trường đầu cơ phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Theo Thương Gia