Quý I/2019, CTCP Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La (mã chứng khoán HSL) có mức tăng trưởng lên đến 64% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên nếu nhìn vào BCTC thì người sẽ đặt câu hỏi: Liệu HSL có tăng trưởng bền vững.
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2019 vừa được HSL công bố, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt trên 90 tỷ đồng, tăng 63,7% so với cùng kỳ, đạt 22,5 % kế hoạch năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ, đạt 20,7 % kế hoạch năm 2019. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HSL chủ yếu là hoạt động sản xuất và thương mại ngô sấy và sản xuất tinh bột sắn, được thực hiện tại địa bàn tỉnh Sơn La với các sản phẩm phục vụ trong công nghiệp thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sau hơn 4 năm hoạt động hiệu quả, bước vào năm 2019, Công ty định hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp hệ thống dây chuyền sấy ngô và sản xuất tinh bột sắn hiện tại tại Sơn La; đồng thời đầu tư sáp nhập thêm một nhà máy sản xuất tinh bột sắn với diện tích gần 28 ha tại Ninh Bình, có công suất dự kiến đạt 200 tấn sắn nguyên liệu/ngày tương đương 60 tấn sản phẩm tinh bột/ngày nhằm mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, tỷ trọng các khoản phải thu của HSL luôn duy trì ở mức khá cao. Tại cuối 2018, các khoản phải thu chiếm tới gần 50% tài sản của HSL, đến cuối quý 1/2019, tỷ trọng khoản phải thu tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, chiếm tới 40% tài sản của doanh nghiệp. Trong giai đoạn cuối quý II/2018 và quý III/2018, tình trạng cơ cấu tài sản của HSL thực sự không tốt khi tổng 02 khoản Phải thu và tồn kho đã lên tới 75% tổng tài sản của doanh nghiệp, trong khi tỷ trọng tiền luôn ở mức thấp. Điều này được cải thiện hơn trong quý IV/2018, cơ cấu tài sản đã biến đổi mạnh theo hướng “tích cực” với cơ cấu hàng tồn kho giảm từ 43% tổng tài sản trong quý III/2018 về còn 12.6%. Bù lại đó, tỷ trọng các khoản phải thu – tiền – đầu tư của HSL gia tăng tương ứng. Đi kèm với đó, là kết quả kinh doanh của quý IV/2018 tăng trưởng vượt bậc về cả doanh thu và lợi nhuận.
Vấn đề đáng nói ở đây là, sự tăng trưởng trong quý IV/2018 chủ yếu dựa vào các đối tác mua lượng lớn hàng tồn kho và thanh toán một phần tiền hàng. Trong các đối tác tích cực “hỗ trợ mua hàng” cho HSL vào quý IV/2018 ở trên, thú vị nhất là công ty TNHH MTV A&F có đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tiến Nam, trùng tên với Phó Tổng giám đốc của HSL và cũng trùng địa chỉ nơi cư trú. Công ty này được thành lập vào tháng 10/2018, tuy nhiên tại cuối 2018 (2 tháng sau khi thành lập) A&F đã nắm giữ gần 16 tỷ khoản phải thu của HSL, và trở thành công ty nắm giữ khoản phải thu lớn thứ 02 sau Nông sản Sơn La. Nhiều ý kiến đătl ra lúc này là liệu chất lượng doanh nghiệp của HSL có đẹp như báo cáo tài chính đã công bố.
Theo Anh Khang/Thời báo chứng khoán