Home Ấn tượng 24H Huy động tiền gửi chỉ tăng 2,69% trong 4 tháng đầu năm

Huy động tiền gửi chỉ tăng 2,69% trong 4 tháng đầu năm

0

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, huy động tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế chỉ tăng 2,69%, đạt hơn 7,92 tỉ đồng tính đến cuối tháng 4/2019. Đặc biệt, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp giảm hơn 54.200 tỉ đồng.    

Tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống TCTD giảm hơn 54.200 tỉ đồng

Cụ thể, đến hết tháng 4/2019, tổng phương tiện thanh toán (bao gồm tiền mặt ngoài xã hội và tiền gửi tại hệ thống các tổ chức tín dụng) tăng 3,63% so với đầu năm, đạt 9,5 triệu tỉ đồng. So với mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14% năm nay thì kết quả đạt được vẫn còn cách xa. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, tổng số tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế chỉ tăng 2,69%, đạt hơn 7,92 triệu tỉ đồng. Tiền gửi của dân cư vẫn tăng trưởng 5,98% đạt 4,64 triệu tỉ đồng.

Lượng số tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống TCTD giảm 1,62% tương ứng giảm hơn 54.200 tỉ đồng xuống chỉ còn 3,29 triệu tỉ. Sự sụt giảm này do các doanh nghiệp rút tiền về để trả lương, thưởng cho người lao động trong tháng tết, phục vụ hoạt động kinh doanh mang tính chất mùa vụ. Đây cũng là diễn biến bình thường của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lượng tiền gửi từ doanh nghiệp chiếm hơn 40% lượng tiền gửi của ngân hàng bị sụt giảm trong 4 tháng đầu năm nay đã khiến cho hoạt động huy động vốn của các ngân hàng gặp khó khăn. Điều này khiến nhiều ngân hàng phải chạy đua tăng lãi suất tiền gửi, tặng quà, tặng thêm ưu đãi… để hút tiền quay trở lại hệ thống.

Trong khi đó, tín dụng của các TCTD với nền kinh tế tăng mạnh hơn, với 4,46% trong 4 tháng đầu năm. Dòng vốn được hướng mạnh vào sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ đầu tư, xuất nhập khẩu…

Cập nhật đến hết tháng 6 năm nay, tín dụng của hệ thống TCTD đã tăng 7,33% so với đầu năm, nhỉnh hơn cùng kỳ năm trước và đang có xu hướng tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm. Nhưng đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, trong khi cùng kỳ 6 tháng đầu năm của 2016 và 2017 có  mức tăng lần lượt là 8,21% và 9,01%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi trong thời gian qua, nhằm đảm bảo thanh khoản dồi dào cho nhu cầu mở rộng tín dụng vào nửa cuối năm.

Theo Hải Hà/Kinh tế môi trường