Trên thị trường Hà Nội có khá nhiều thương hiệu nổi tiếng bị “đánh cắp” hoặc làm “nhái” đã khiến những cơ sở này gặp không ít phiền toái. Có những đơn vị đã thốt lên rằng, chỉ vì bị “đánh cắp”thương hiệu nên phải chuyển sang thương hiệu khác.
Ảnh hưởng uy tín thương hiệu
Thành lập năm 2014, ngay từ khi thành lập cơ sở Nha khoa Hoàn Mỹ được khá nhiều người Hà Nội biết đến tên tuổi này, với chất lượng khá tốt, công nghệ thẩm mỹ răng tiên tiến của Pháp. Mỗi năm cơ sở này chăm sóc khoảng 15.000 lượt khách hàng. Tuy nhiên, với những thành công của mình được khách hàng lựa chọn nhiều đã khiến cái tên Hoàn Mỹ được một số cơ sở nha khoa khác lấy lại đăng ký cho tên cửa hàng.
Chia sẻ của một bác sỹ tại địa chỉ 39 Quang Trung, Hoàn Kiếm: Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khá nhiều cửa hàng mang nhãn hiệu Nha khoa Hoàn Mỹ nên chúng tôi phải đổi tên sang Nha Khoa Paris. Phóng viên đã tìm ở trên mạng, đúng như lời người này nói, Hà Nội có khá nhiều cửa hàng Nha khoa Hoàn Mỹ. Chỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng có ít nhất 3 cửa hiệu đăng ký Nha Khoa Hoàn Mỹ.
Tương tự thương hiệu nha khoa Hoàn Mỹ, gần đây thương hiệu phở Lý Quốc Sư đã phải để một chiếc bảng ngay trước cửa ra vào giới thiệu với khách trên địa bàn Hà Nội chỉ có 3 địa chỉ Phở 10 Lý Quốc Sư, là: Số 10 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm; N2A Hoàng Minh Giám, Thanh Xuân và số 26, lô 6, đường Tố Hữu, Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.
Lý do cũng được cơ sở này nói rõ ngay trên bảng thông báo là hiện nay xuất hiện rất nhiều cửa hàng giả mạo thương hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư với cái tên phở Lý Quốc Sư.
Mang tiếng xấu vì chất lượng
Phóng viên đã trải nghiệm ăn phở tại Phở 10 Lý Quốc Sư và một cửa hàng khác chỉ đề phở Lý Quốc Sư. 2 phong cách phục vụ khác và chất lượng bát phở cũng khác hẳn.
Tại Phở 10 Lý Quốc Sư, từ bàn ăn, dụng cụ bát đũa đều sạch, đẹp. Nhân viên đón tiếp niềm nở từ ngoài cửa vào. Chất lượng bát phở từ nước dùng, đến thịt theo cảm nhận cũng ngon, ngọt vị tự nhiên từ nước hầm và thịt.
Tại một quán phở Lý Quốc Sư, từ biển hiệu, chữ, phông nền của bảng hiệu ngoài cửa hàng, khăn trải bàn rất giống Phở 10 Lý Quốc Sư. Tuy nhiên, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Nhân viên bê bát phở đặt trước mặt phóng viên nhưng tay bẩn vẫn in nguyên nốt trên chiếc đĩa để bát phở. Chất lượng bát phở theo cảm nhận không thể ngon bằng Phở 10 Lý Quốc Sư.
Ông Khanh ăn thi thoảng ăn phở tại quán phở Lý Quốc Sư chia sẻ: Tôi đã ăn phở tại đây và tại quán phở Lý Quốc Sư ở Hoàng Minh Giám thì chất lượng bát phở ở Hoàng Minh Giám khác hẳn. Phong cách phục vụ cũng khác: Bát, đĩa, bàn ghế sạch, đẹp; nhân viên niềm nở.
Vẫn biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi 1 bát Phở 10 Lý Quốc Sư đắt hơn bát phở ở quán Lý Quốc Sư này. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi nhân viên là người thu tiền: “Phở Lý Quốc Sư này có cùng hệ thống với phở Lý Quốc Sư ở Hoàng Minh Giám không em?”, anh này thản nhiên trả lời “có cùng hệ thống”.
Nếu chỉ nhìn thoáng qua mặt ngoài cửa hàng này có màu sơn khá giống với Phở 10 Lý Quốc Sư, khăn trải bàn những người ở nơi khác đến ăn sẽ nhầm tưởng đó là phở Lý Quốc Sư chính hiệu của Hà Nội mà nhiều người đã biết đến.
Chia sẻ của đại diện Nha Khoa Paris: Khi thương hiệu Nha khoa Hoàn Mỹ bị một số cửa hàng nhái lại: Khách hàng đến đây phàn nàn rằng chất lượng phục vụ khách tại cửa hàng khác của Nha khoa Hoàn Mỹ không thể bằng 39 Quang Trung.
Việc đổi tên thương hiệu đơn vị phải mất thêm chi phí nhưng làm như vậy, cơ sở sẽ tránh được tiếng xấu khi khách hàng làm ở 1 nơi khác, nhưng lại ảnh hưởng đến thương hiệu đã được đăng ký.
Khách hàng bị “móc túi”
Nếu chỉ ăn phở Lý Quốc Sư mà chưa biết đến Phở 10 Lý Quốc Sư thì chắc chắn thực khách sẽ thầm nhủ rằng: Phở Lý Quốc Sư – mang thương hiệu của Hà Nội cũng chỉ như những quán phở bình dân khác.
Giá tại các quán phở bình dân ở trên các phố cũng chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng/bát. Tuy nhiên, tại phở Lý Quốc Sư “nhái” có giá thấp nhất là 45.000 đồng/bát và cao nhất là 80.000 đồng/bát. Mức giá này tuy có thấp hơn Phở 10 Lý Quốc Sư, nhưng khá cao so với phở bình dân.
Như vậy, từ câu chuyện 2 thương hiệu kể trên, người tiêu dùng không chỉ bị đánh lừa mập mờ về thương hiệu, mà còn bị “móc túi” vì chỉ được sử dụng sản phẩm – dịch vụ bình dân, nhưng giá lại đắt ngang hoặc gần bằng với sản phẩm dịch vụ cao cấp.
Câu chuyện sử dụng thương hiệu lập lờ, đánh lừa như trên cũng phải đặt vai trò của đơn vị cấp phép hoạt động đã để việc đăng ký kinh doanh trùng tên nhau, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của những thương hiệu đã được khẳng định trong lòng người tiêu dùng.
Theo Hương Hồi/Kinh tế đô thị