Ý tưởng sản xuất ống hút từ… rau củ của anh Trương Thế Tiến – CEO Công ty TNHH Thực phẩm ISITO không chỉ hưởng ứng phong trào “Nói không với túi nilon” để bảo vệ môi trường, dự án còn góp phần quảng bá nông sản Việt ra thế giới.
Không ngại thử thách
Là một cử nhân ngành Dịch vụ thông tin, trường Đại học Sài Gòn, nhưng anh Trương Thế Tiến sinh năm 1987, quê Thanh Hóa lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp. Vì vậy, ngay sau khi ra trường, anh đã thành lập Công ty TNHH Thực phẩm ISITO, chuyên kinh doanh và chế biến nông sản.
Gắn bó và có kinh nghiệm trong ngành chế biến nông sản lâu năm, anh Tiến luôn trăn trở về việc tạo ra một loại ống hút không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn thân thiện với môi trường.
Anh Tiến cho biết: Hiện nay người tiêu dùng sử dụng quá nhiều đồ nhựa sử dụng một lần, nhất là ống hút nhựa, tạo ra khối lượng rác thải khổng lồ và nguy hại đến môi trường. Tôi muốn góp phần nhỏ bé vào phong trào bảo vệ môi trường, đồng thời giúp bà con giải quyết đầu ra cho nông sản.
“Làm trong ngành chế biến thực phẩm lâu năm, nên tôi hình dung công nghệ để sản xuất ống hút rau củ cũng tương tự như sản xuất sợi bún và có thể làm bằng công nghệ hiện có” – anh Tiến cho hay.
Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành hiện thực, CEO 8X phải mất hàng trăm lần thử nghiệm với nhiều thất bại mới cho ra thành phẩm ưng ý và tự tin về chất lượng. Theo đó, dây chuyền sản xuất ống hút rau củ phải trải qua 35 công đoạn, chỉ cần sai công thức hoặc một sơ sót nhỏ, toàn bộ lô hàng sẽ không đạt tiêu chuẩn.
Hơn 90 ngày ăn ngủ tại xưởng, phối trộn nguyên liệu, thay đổi máy móc cho phù hợp, anh Tiến đã bỏ đi 30 tấn thành phẩm bị lỗi. Tháng 4/2019, những chiếc ống hút rau củ mang tên Vistraw đầu tiên được xuất xưởng.
“Cái khó nhất để làm ra một chiếc ống hút từ rau củ là giữ được độ cứng. Nó rất dễ bị vỡ khi sử dụng trong môi trường đồ uống từ nóng, lạnh, các loại nước ngọt đến nước có ga… Vì thế, mình phải tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu mới có thể làm ra công thức. Máy móc sản xuất mình cũng hoàn toàn tự chế” – anh Tiến bộc bạch.
Ống hút Vistraw có ưu điểm là nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, thân thiện môi trường. Ngoài chức năng hút nước thì có thể ăn và chế biến thành nhiều món khác như snack, xào, lẩu như bún miến…
Loại ống hút này có thể ngâm trong nước 20 tiếng không bị vỡ ống, không bị tan rã trong quá trình uống…Với nhiều màu sắc, kích thước phong phú làm từ nhiều loại nông sản (như đậu biếc, củ dền, cà phê, cà rốt…), loại ống hút này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng cũng như không gây ảnh hưởng đến mùi vị đồ uống.
Đưa ống hút “ăn liền” và nông sản Việt ra thế giới
Để đưa sản phẩm ra thị trường, chiến lược xuyên suốt của ISITO là tập trung vào đối tượng phân khúc chuỗi cafe, resort, khách sạn trong nước và quốc tế. Song song là quy hoạch và mở rộng vùng nguyên liệu theo chuẩn Global Gap, ogranic… Hiện Công ty đang có 2 nhà xưởng rộng 5.000m2 ở Hà Nội và 1.000m2 ở TP Hồ Chí Minh.
Trung bình mỗi ngày sản xuất ra hơn một tấn ống hút rau củ, mang về doanh thu 800 – 900 triệu đồng/tháng. Sản phẩm nhận được thông tin phản hồi rất tích cực của khách hàng và liên tiếp nhận được những hợp đồng mới. “Tôi đang cố gắng tìm cách giảm chi phí để có đơn giá thấp hơn, giúp nhiều người được tiếp cận hơn với sản phẩm” – anh Tiến cho hay.
Ngoài thị trường trong nước, ống hút Vistraw cũng được khách hàng tại thị trường nước ngoài khó tính như Đức, Italia, Mỹ… yêu thích khi dùng thử. Chủ nhân thương hiệu ống hút “ăn liền” này cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu và mang sản phẩm của mình đi xuất khẩu. “Ngoài mục đích bảo vệ môi trường, tôi còn hy vọng nếu dự án thành công sẽ hỗ trợ công ty tiếp cận và quảng bá nông sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế” – anh Tiến bộc bạch.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, CEO ISITO cho biết sẽ quay về quê hương nơi mình sinh ra là Cẩm Thủy – Thanh Hóa để mở nhà máy, nhằm tạo công ăn việc làm, tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi, quy hoạch và nâng cao giá trị cho hạt gạo, rau, củ, quả… Nếu DN tại địa phương tự chủ được từ khâu sản xuất tạo đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm thì bà con sẽ có niềm tin để đồng hành cùng DN trên con đường sản xuất nông sản sạch.
Theo Phương Nga/ Kinh tế đô thị