Không chỉ bán đồng hồ tại cửa hàng TGDĐ, MWG còn bán đồ gia dụng tại Bách hóa Xanh

    0

    Tính đến hết tháng 6/2019, Bách hóa Xanh có 100 cửa hàng lớn diện tích 300m2, đang chiếm khoảng 17% số cửa hàng toàn chuỗi. Nhiều cửa hàng 300m2 đang hoạt động tốt đã được MWG chuyển đổi thành mô hình Double Shop (Bách hóa Xanh kết hợp bán gia dụng).

    Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), trong 6 tháng đầu năm 2019, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 51.727 tỷ đồng (tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.121 tỷ đồng (tăng trưởng 38% so với cùng kỳ).

    Doanh thu online luỹ kế 6 tháng đạt 7.720 tỷ đồng, đóng góp 15% trong tổng doanh thu của MWG và tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Dưới góc độ ngành hàng, nhóm sản phẩm điện lạnh và gia dụng tăng trưởng trên 30% về doanh thu so với 6 tháng đầu năm 2018. Chỉ tính riêng máy lạnh, MWG đã bán ra gần 540 ngàn sản phẩm trong nửa đầu năm 2019, tăng trưởng 75% về sản lượng và 80% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; dẫn đến thị phần máy lạnh của MWG cũng tăng tương ứng từ 31% lên 36%.

    Ngoài ra, MWG cho biết đã triển khai việc bán đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 34 cửa hàng Thế giới di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh tính đến ngày 30/6/2019. Tổng số sản phẩm bán ra trong tháng 6 là gần 11.000 chiếc đồng hồ. “Việc bán thêm đồng hồ giúp các cửa hàng TGDĐ và Điện máy Xanh hiện có kinh doanh mặt hàng này tăng trung bình khoảng 10% doanh thu”, phía MWG cho hay.

    Tính đến cuối tháng 6/2019, MWG có 2.449 cửa hàng, tăng 78 cửa hàng so với cuối tháng 5 và tăng 262 cửa hàng so với cuối năm 2018.

    Trung bình từ đầu năm, MWG có 1,5 cửa hàng mới mỗi ngày, trong đó tháng 6 chứng kiến sự bứt phá ở cả 2 chuỗi Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh. Cụ thể, chuỗi Điện máy Xanh có thêm 29 cửa hàng mới; chuỗi Bách hóa Xanh phát triển thêm 55 điểm bán, nâng tổng số cửa hàng lên tròn 600.

    Chỉ trong quý II/2019, MWG đã hoàn tất thay đổi trưng bày cho 210 cửa hàng Điện máy Xanh mini. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục triển khai việc thay đổi trưng bày cho gần 300 cửa hàng Điện máy Xanh mini còn lại trong 6 tháng cuối năm nay.

    Cơ cấu doanh thu của MWG trong 6 tháng năm 2019

    Đối với chuỗi Bách hóa Xanh, trong số 600 cửa hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2019, có 218 cửa hàng tại 14 tỉnh khu vực Nam Bộ ngoài TP. HCM (chiếm 36% tổng số cửa hàng Bách hóa Xanh so với mức 8% cuối năm 2018). Tính theo loại cửa hàng, Bách hóa Xanh có 100 cửa hàng lớn 300m2, đang chiếm khoảng 17% số cửa hàng toàn chuỗi.

    “Doanh thu trung bình tiếp tục tăng lên đến hơn 1,5 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng 25% trong nửa đầu năm 2019 từ mức 1,2 tỷ cuối năm 2018 và tăng gần 70% từ mức 900 triệu cuối tháng 6/2018”, phía MWG thông tin về tình hình kinh doanh của chuỗi Bách hóa Xanh.

    Công ty này cho hay, công tác mua hàng linh hoạt, đảm bảo hàng hoá tươi ngon, phong phú, năng lực lựa chọn mặt bằng ngày càng hoàn thiện là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trên từng cửa hàng trong nhiều tháng liên tục.

    Bên cạnh đó, Bách Hóa Xanh đã bắt đầu triển khai việc nâng cấp các cửa hàng chuẩn có doanh thu từ 1,7 – 2,5 tỷ đồng/tháng và có khả năng mở rộng diện tích thành cửa hàng lớn 300m2. Các cửa hàng 300m2 đang hoạt động tốt được chuyển đổi thành mô hình Double Shop (Bách hóa Xanh kết hợp bán gia dụng).

    MWG cho biết sau khi nâng cấp thành công 12 cửa hàng chuẩn lên mô hình lớn 300m2, các cửa hàng này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khoảng 20% so với tình hình kinh doanh trước đó.

    Các cửa hàng Double Shop kinh doanh sản phẩm gia dụng có doanh thu tăng trưởng khoảng 30% so với trước khi chuyển đổi. Sau khi thử nghiệm thành công mô hình này tại tỉnh Tây Ninh vào cuối tháng 5, Bách hóa Xanh đã chuyển đổi thêm 3 cửa hàng lớn 300m2 đang có doanh số cao tại TP. HCM trong tháng 6/2019.

    Tháng 6, Bách hóa Xanh đã ký thành công hơn 70 mặt bằng trong vòng một tháng, đảm bảo đủ số lượng mặt bằng để vượt mục tiêu số cửa hàng đặt ra hồi đầu năm. Dự kiến Bách hóa Xanh sẽ có cửa hàng thứ 700 trong quý III/2019.

    Theo VietnamFinance