Tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 6,18 triệu tỷ đồng, tăng hơn 314.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho biết, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ thức tín dụng cuối tháng 2/2023 đạt gần 11,8 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương giảm 0,2%.
Trong đó, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2 đã đạt hơn 6,18 triệu tỷ đồng, tăng hơn 314.000 tỷ đồng (tương đương tăng 5,36%), đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Tiền gửi từ dân cư tăng mạnh trong bối cảnh những tháng đầu năm nay trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng tăng liên tục.
Theo đó, giai đoạn cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao lên tới 9-10%/năm đã hút mạnh người gửi tiền.
Lãi suất cao khiến nhiều khách hàng có xu hướng bỏ tiền nhàn rỗi vào kênh tiết kiệm của ngân hàng để thu lãi nhiều nhất, khiến dòng tiền vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản cũng co hẹp lại.
Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn này lại ghi nhận tiền gửi đến từ nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tại ngân hàng sụt giảm. Trong đó, số dư tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 338.000 tỷ đồng (tương đương giảm 5,68%) trong 2 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, đây là tháng thứ hai liên tiếp tiền gửi của các tổ chức kinh tế suy giảm.
Thực tế, việc tiền gửi của nhóm khách hàng này giảm trong những tháng đầu năm cũng không phải là chuyện hiếm do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Tuy nhiên, mức giảm trong 2 tháng đầu năm 2023 là mức giảm mạnh nhất trong 3 năm gần đây, phần nào phản ánh sự khó khăn của các doanh nghiệp giai đoạn hiện nay. Không ít khách hàng đã phải đã hạn chế việc vay vốn thời điểm này do lãi suất lên cao, thay vào đó họ rút bớt tiền gửi để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Lê Thanh Hồng