Mức lãi suất trái phiếu do ngân hàng phát hành phổ biến dưới 7%/năm, kỳ hạn 2 – 3 năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu với lãi suất chủ yếu từ 9,5 – 12%/năm, cao nhất lên tới 14,5%/năm.
Theo chứng khoán MBS, từ đầu năm đến nay, có gần 60 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ trọng 72%.
Riêng nhóm ngành ngân hàng đã phát hành tới 18,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, VPBank phát hành nhiều nhất lên tới 5.900 tỷ, chiếm đến 32%, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định từ 6,4% – 6,9%/năm.
Các ngân hàng khác cũng phát hành trái phiếu với mức lãi suất tương tự, phổ biến từ 6,4 – 7%/năm, kỳ hạn thường là 2 – 3 năm. Chẳng hạn OCB phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 7%/năm; HDBank phát hành theo 3 đợt với tổng mệnh giá là 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,3 – 6,9%/năm,…Mức lãi suất nhỉnh hơn một chút có SeABank, phát hành 2.250 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 7,1 – 7,3%/năm.
Tương tự, VietinBank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay với lãi suất do ngân hàng tự quyết định. HĐQT của ACB cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2019 tổng cộng 5.500 tỷ đồng kỳ hạn 2 – 3 năm, lãi suất cố định và tối đa không quá 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7%/năm đối với kỳ hạn 2 năm.
Mức lãi suất trái phiếu ngân hàng cao nhất ghi nhận được trên thị trường hiện nay là 8,825%/năm của VIB (tuy nhiên chỉ áp dụng cho kỳ đầu tiên), theo sau là 7,3%/năm của SeABank, còn lại phổ biến dưới 7%/năm.
So với hình thức gửi tiết kiệm, mức lãi suất trái phiếu chỉ ở mức tương đương, thậm chí có thể thấp hơn bởi lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 2 – 3 năm cao nhất đang lên tới 8,6%/năm, phổ biến thì từ 7,5 – 8%/năm.
Còn nếu so với trái phiếu do các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản thì lãi suất trái phiếu của ngân hàng còn thấp hơn rất nhiều, có lúc chỉ bằng một nửa.
Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với 16.230 tỷ đồng, chiếm 30% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm. Đây là nhóm ngành có mức lãi suất cao nhất, phổ biến trên 10%/năm, cao nhất là trái phiếu của Phát Đạt với mức lãi suất coupon lên đến 14,5%/năm.
Trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng thường có tài sản đảm bảo dưới dạng quyền sử dụng đất, kỳ hạn phổ biến trong 2 năm nhưng cũng có doanh nghiệp lên tới 10 năm như CII.
Các doanh nghiệp chứng khoán huy động 5,1 nghìn tỷ thông qua hình thức phát hành trái phiếu 06 tháng đầu năm, với lãi suất coupon từ 8% – 11,3%, kỳ hạn phổ biến từ 1 – 3 năm. Trong đó, hiện VNDirect đang dẫn đầu với 1.460 tỷ đồng trái phiếu phát hành, kỳ hạn từ 1 – 3 năm, lãi suất 9,5% – 11,3%/năm, trong đó 660 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi.
Mặc dù mức lãi suất chưa thực sự hấp dẫn nhưng những năm qua, các đợt phát hành trái phiếu của các nhà băng đều có kết quả khả quan, được nhà đầu tư mua “sạch”.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, các nhà băng gần đây ồ ạt phát hành trái phiếu là nhằm huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ quy định của NHNN, đồng thời là nguồn bổ sung vốn cấp hai giúp cải thiện tỷ lên an toàn vốn (CAR). Sở dĩ lãi suất trái phiếu ngân hàng thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhưng vẫn thu hút được người mua là bởi sự uy tín của các nhà băng lớn, tạo được niềm tin từ khách hàng.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, lãi suất trái phiếu chỉ ở mức tương đương, thậm chí có thể thấp hơn lãi suất tiết kiệm là bởi tính thanh khoản của sản phẩm này. Các sản phẩm trái phiếu hiện hành khá đa dạng và linh hoạt, khách hàng có thể chuyển nhượng tự do hoặc nhượng lại dễ dàng. Trong khi đó, với sản phẩm gửi tiết kiệm, người gửi không được rút trước hạn, nếu rút trước thì lãi suất rất thấp.
Theo Hoài Dương/Thời báo chứng khoán