Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, vé máy bay khan hiếm, giá đắt đỏ nên các doanh nghiệp du lịch mở bán tour sớm để giữ chỗ và đo lường sức mua.
Vừa bán tour, vừa canh chi phí từng ngày
Cuối tháng 3/2024, các tour nội địa và combo vé máy bay + phòng khách sạn dịp lễ 30/4 đang được các doanh nghiệp lữ hành lần lượt đẩy lên, sớm hơn so với mọi năm từ nửa tháng đến cả tháng.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng giám đốc Vina Phú Quốc Travel, cho hay, việc công ty mở bán tour lễ 30/4-1/5 sớm hơn dự kiến do vé máy bay khan hiếm. Đơn vị tung lên sớm để các đối tác, đại lý có kế hoạch đẩy bán cho khách hàng.
“So với mọi năm, giá dịch vụ ở Phú Quốc gần như không thay đổi, thậm chí còn tốt hơn năm ngoái, nhưng giá tour nhích tăng chủ yếu do giá vé máy bay đắt hơn”, ông Huy nói.
Trên thực tế, từ hơn chục đường bay trong nước đến đảo Ngọc, tới nay, sân bay Phú Quốc chỉ còn tiếp nhận các chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng. Một số tuyến vốn khá đông khách như Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng,… các hãng đã tạm ngừng khai thác từ cuối năm 2023.
Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông và Marketing Vietluxtour thông tin: “Giá tour phụ thuộc vào giá vé máy bay, nếu lữ hành đặt series vé trong tháng 4 chắc chắn giá tour sẽ tăng cao ở một số tuyến, như Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc,… Mức tăng từ vài trăm nghìn trở lên, tùy giá vé và lịch bay hàng không đưa ra”.
Đại diện một công ty du lịch lớn tại thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, đơn vị này đã lên kế hoạch mở bán tour nội địa dịp lễ 30/4-1/5 nhưng còn chờ điều chỉnh về giá. Lý do vẫn là ở vé máy bay. Giá một số tour dự kiến sẽ tăng, như tour đi Côn Đảo (do còn duy nhất 1 hãng hàng không khai thác, lại phải bay hai chặng từ ngày 1/4) hay Điện Biên (có sự kiện Năm du lịch quốc gia 2024) và Phú Quốc,…
Ông Đỗ Văn Thức – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Đất Việt Tour cho biết, không chỉ riêng doanh nghiệp này mà nhiều công ty du lịch khác cũng không dám mua trước vé máy bay, khi nào có khách đăng ký thì mới mua.
Hiện giá vé máy bay tăng cao nên tour du lịch từ Hà Nội đi Phú Quốc trong dịp hè này có giá bằng hoặc cao hơn so với giá tour đi du lịch nước ngoài. Do vậy, nhiều du khách thay vì chi tiền đi du lịch trong nước, họ chuyển sang đi du lịch Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… với chi phí tương đương.
“Trước đây công ty chúng tôi luôn mua trước số lượng lớn vé máy bay để phục vụ khách dịp lễ và cao điểm hè, vì mua sớm chúng tôi sẽ được các hãng hàng không chiết khấu với giá vé tốt nhất, dẫn đến kéo giá tour giảm xuống nên được nhiều khách lựa chọn. Tuy nhiên, năm nay giá vé máy bay tăng cao, dẫn đến giá tour cũng tăng cao nên chúng tôi không dám mua vé máy bay sớm, bởi nếu mua rồi mà không có khách đi thì sẽ mất trắng số tiền vé này”, ông Thức nói.
Du lịch bị động vì khan hiếm vé máy bay
Lý giải nguyên nhân tác động trực tiếp đến việc đội tàu bay và tải cung ứng bị thu hẹp trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024, 2025, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, đó là bởi Vietnam Airlines (khoảng 20 tàu bay), Vietjet (24 tàu bay) dòng A321NEO phải kiểm tra động cơ theo yêu cầu của nhà sản xuất Pratt&Whitney. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng phải dừng khai thác đội tàu bay Embraer E190 (3 chiếc) trên các đường bay Hà Nội – Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Hới/Côn Đảo.
Theo các công ty du lịch, việc các hãng hàng không ồ ạt cắt giảm đường bay, nhất là những đường bay ngách, đến các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Côn Đảo,… đang gây khó khăn lớn với kinh doanh lữ hành nội địa.
Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không phối hợp với công ty du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch khai thác tăng chuyến ngay từ hiện tại để phục vụ dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price đề xuất doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không nên tổ chức chương trình phối hợp cụ thể, với sự hỗ trợ từ địa phương để mở và duy trì đường bay (như Cà Mau hỗ trợ các hãng 7 tỷ đồng/năm nếu có đường bay tới đây). Hoặc một cơ chế hợp tác từ hãng hàng không với các công ty du lịch, đại lý để phân phối vé hợp lý, với những series 100-200 vé, tùy lượng khách và năng lực khai thác của phía lữ hành.
Trước việc giá vé máy bay tăng cao, giá tour phụ thuộc rất lớn vào giá vé máy bay nên để “thoát hiểm”, bản thân các công ty du lịch cũng cần chủ động chuyển hướng kinh doanh, xác định hướng đi mới như chọn điểm đến gần, đi bằng đường bộ, bằng tàu hoặc phương tiện cá nhân. Đặc biệt, lượng khách trong nước vẫn đang đổ xô đi nước ngoài, đây cũng là mảng cần ưu tiên đẩy mạnh trong thời gian tới.
Về phía hãng bay, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám Đốc Vietnam Airlines, cho rằng qua trao đổi với nhiều hãng bay, kế hoạch bay dịp hè đang rốt ráo triển khai. Tuy nhiên, các hãng bay vẫn có nỗi lo riêng. Do kinh tế khó khăn, các hãng hàng không đã cắt giảm hàng loạt đường bay nội địa không hiệu quả, thu hẹp mạnh đội tàu bay.
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist, hợp tác giữa các hãng hàng không và công ty du lịch luôn là yêu cầu bức thiết, song thực tế quan hệ đối tác này chưa diễn ra như kỳ vọng. Nếu hãng hàng không và công ty du lịch cùng nhau chia sẻ dữ liệu, thông tin hay tham khảo phân tích thị trường của nhau thì có thể lên kế hoạch lịch trình bay hợp lý.
Việc này giúp tối ưu hóa sự hiệu quả của các chuyến bay và tăng cơ hội bán vé, đồng thời đảm bảo rằng khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các điểm đến mong muốn.
“Các công ty du lịch luôn có kế hoạch bán tour, dịch vụ từng quý và tương đối chính xác, trong khi các hãng hàng không cũng tính được số chuyến bay dự kiến. Nếu hợp tác chia sẻ thì hai bên tối ưu được hiệu suất chuyến bay, từ đó có điều kiện giảm giá vé máy bay, đặc biệt trong mùa cao điểm”, ông Yên nói.
Nguyễn Thành Nhân