Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 777/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPB) áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Theo nội dung của văn bản trên, TPB được áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (phương pháp tiêu chuẩn của Basel 2) kể từ ngày 1/5/2019.
Theo NHNN, TPB chịu trách nhiệm thực hiện việc chuyển đổi hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng, thực hiện các dự án nhằm khắc phục việc nhập dữ liệu thủ công theo Kế hoạch; Đồng thời ban hành quy định nội bộ về hoạt động trọng yếu trước tháng 6/2019, kế hoạch kiểm toán năm 2019; Tuân thủ quy định Thông tư 41 và thực hiện chế độ báo cáo thống kê về tỷ lệ an toàn vốn đối với Thông tư 41 theo hướng dẫn của NHNN.
Không chỉ có TPB, NHNN cũng đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Cụ thể VPB được áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng kể từ ngày 1/5/2019.
VPB chịu trách nhiệm hoàn thành các nội dung, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 41 kể từ ngày 1/5/2019: định kỳ chuyển hoạt động của hệ thống tính toán CAR và RWA lên hệ thống dự phòng tối thiểu 01 ngày làm việc theo quy định tại Thông tư số 18/2018/TT-NHNN; Tiếp tục thực hiện kế hoạch tự động hóa, xử lý dữ liệu và xây dựng quy định nội bộ của Ban kiểm soát về việc thuê chuyên gia, tổ chức bên ngoài để thực hiện Kiểm toán nội bộ theo đúng cam kết tại Công văn 410/2019/CV-VPB ngày 05/4/2019 của VPB; Tuân thủ quy định Thông tư 41 và thực hiện chế độ báo cáo thống kê về tỷ lệ an toàn vốn đối với Thông tư 41 theo hướng dẫn của NHNN…
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã chính thức được NHNN phê duyệt áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/5/2019. Theo đó, MB là ngân hàng đáp ứng chuẩn mực Basel II tại thị trường Việt Nam.
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, sử dụng khái niệm “3 trụ cột” bao gồm Yêu cầu vốn tối thiểu, Giám sát của cơ quan quản lý và Công bố thông tin trong quản trị ngân hàng.
Tại Việt Nam, 2 văn bản quan trọng do NHNN ban hành để hướng dẫn cụ thể việc triển khai Basel II là Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến từng bước áp dụng, nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động.
Theo Anh Phan/Vietnam Finance