Tín dụng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm cho thấy niềm tin vào thị trường bất động sản đã phần nào phục hồi.
Tín dụng bất động sản tăng mạnh
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính hết tháng 6, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% trong tổng tín dụng bất động sản trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,15%.
Theo tạp chí Tài Chính, thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2023 đạt khoảng 1,093 triệu tỷ đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến cuối tháng 5/2024, các ngân hàng đã cho các chủ đầu tư dự án vay thêm hơn 112.000 tỷ đồng.
Vốn tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản đã tích cực hơn trong nửa đầu năm nay. Năm ngoái, nhu cầu vay mua nhà đất của người dân chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt khi tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 1% (mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua), trong khi tín dụng cho chủ đầu tư vay tăng hơn 35%. Đáng chú ý, có thời điểm (9 tháng đầu năm 2023), tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chứng kiến sự sụt giảm gần 4% so với cuối năm 2022.
Thị trường địa ốc từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận nhiều diễn biến tích cực, nguồn cung và thanh khoản đang dần phục hồi. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản sau một thời gian hạn chế đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động và dự án mới mở bán.
Theo đó, trong nửa đầu năm, có 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới. Đối với dự án xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, có 32 dự án hoàn thành và 16 dự án được cấp phép. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, có 8 dự án đã được hoàn thành trong 6 tháng vừa qua.
Về sức mua, thị trường ghi nhận khoảng 253.000 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi rất chậm, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Vì sao tín dụng đổ vào bất động sản?
Hiện hàng loạt ngân hàng cạnh tranh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa. Thông tin từ Tiền Phong, theo ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), các nhà băng đã hạ lãi suất sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chi phí vốn thấp sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia – cho biết, tín dụng bất động sản hiện chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Việc áp dụng sớm các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, và Luật Các tổ chức tín dụng… sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi mạnh hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Xuân Nghĩa – Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – cũng đánh giá, nguồn vốn vẫn là khó khăn “đeo bám” doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh chủ đạo để các doanh nghiệp nhìn vào phục vụ hoạt động kinh doanh, bởi các kênh huy động khác đều đang gặp khó.
Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều hỗ trợ về lãi suất và pháp lý, do đó các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu, định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp hơn trước xu hướng của thị trường và hành lang pháp lý mới. Tín dụng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy niềm tin vào thị trường bất động sản đã phần nào phục hồi. Các quy định mới liên quan tới bất động sản quan trọng đã được thông qua, dù chưa đến thời điểm áp dụng tuy nhiên đã hỗ trợ tâm lý thị trường.
Tín dụng tăng trưởng đi kèm rủi ro thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm bớt khi nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ. Các doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi sẽ là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, dự án đủ điều kiện mở bán, phục vụ nhu cầu ở thực.
Đào Vũ (T/h)