Home Kinh tế vĩ mô Mục tiêu phát thải bằng 0: Mở lối cho tín dụng xanh,...

Mục tiêu phát thải bằng 0: Mở lối cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh

0

Tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang ở hướng tích cực, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh.

Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ.

Thực tế, ngay trước thềm Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, trong đó đưa ra mục tiêu trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP.

Chiến lược này cũng đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.

Tín dụng xanh tăng trưởng 25%/năm

Với mục tiêu này, tại Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” sáng 11/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

“Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Anh Quyền).

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tham gia vào tiến trình tăng trưởng này, Việt Nam cần huy động rất nhiều nguồn vốn để có thể đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm.

Tại thời điểm 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000  tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.​

Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dù có mức tăng trường bình quân ấn tượng hàng năm nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Trong đó chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

“Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng”, bà Tùng cho hay.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Anh Quyền).

Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Ngoài ra, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đi đôi với thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng gặp khó trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Vì vậy, cần phải có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

Xu hướng mới của thị trường vốn

Ngoài tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng được xem là con đường mới giúp doanh nghiệp gọi vốn. Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FinnRatings cho biết, trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới.

Ông cho rằng, Chính phủ đã có cam kết phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc FinnRatings (Ảnh: Anh Quyền).

Về trái phiếu bền vững, loại hình vốn này đang tăng trưởng rất nhanh trên quy mô toàn cầu. Cụ thể, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3.300 tỷ USD vào cuối tháng 6/2022, tăng gấp 3 lần quy mô 1.100 tỷ USD từ tháng 12/2019.

Theo khu vực, trái phiếu bền vững trong ASEAN+3 cũng tăng trưởng mạnh. Trong cơ cấu theo ngành trái phiếu bền vững trong ASEAN+3, khu vực tư nhân chiếm 89% tổng lượng phát hành trái phiếu bền vững trong khu vực trong quý II/2022, với các tổ chức tài chính chiếm tỉ trọng lớn nhất trong phát hành của khu vực tư nhân ở mức 45,1%.

“Nhìn chung, thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực đã có sự đa dạng hóa được cải thiện về các loại trái phiếu khác nhau. Riêng về trái phiếu xanh thì ngành tài chính chiếm cơ cấu lớn nhất, sau đó đến ngành tiện ích, công nghiệp và bất động sản”, ông Thuân cho hay.

Tuy nhiên, nhìn về Việt Nam thì bức tranh tổng thể về thị trường trái phiếu xanh hiện đang ở dạng sơ khai, chưa phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Chính vì vậy, để có thể phát huy được tiềm năng của thị trường trái phiếu xanh trong nước, ông Thuân nhìn nhận trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung vào các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, tiêu chuẩn công bố thông tin và tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng xanh cho các tổ chức tài chính.

Nguyễn Thu Huyền

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/muc-tieu-phat-thai-bang-mo-loi-cho-tin-dung-xanh-trai-phieu-xanh-a574150.html