Theo VPbank, hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp chỉ 17% (ngân hàng) và FE Credit 20% nên ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2018. Kết quả ngân hàng vẫn đạt mốc 9.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng trưởng 13%.
Năm 2018, tổng doanh thu từ phí của VPbank đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng trưởng 19%
Lợi nhuận trước thuế 9.200 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, khả quan cùng tỷ suất sinh lời hiệu quả.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPbank năm qua đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2017. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với một năm trước đó.
VPbank cho biết, trong bối cảnh siết chặt tín dụng, nhà băng này chỉ được Ngân hàng Nhà nước duyệt hạn mức tín dụng tăng 17% (ngân hàng riêng lẻ) và FE Credit (tăng 20%), thấp hơn mục tiêu ban đầu ngân hàng đề ra đã phần nào ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng năm qua.
Tuy vậy, VPBank vẫn ghi nhận mức lợi nhuận ấn tượng 9.200 tỷ đồng và nằm trong nhóm các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng ở mức cao.
Hiệu quả hoạt động của VPbank khả quan khi xét trên quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Tại 31/12/2018, tổng tài sản hợp nhất ở mức 323.300 tỷ đồng (tăng 16.4%), vốn chủ sở hữu 34.700 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 230.387 tỷ đồng (tăng 17.1%), huy động hơn 219.509 tỷ đồng (tăng gần 10%).
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt là 2,5% và 22,9%.
Hệ số thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục được giữ ở mức cao nhất thị trường là 9%. Trong khi đó, hệ số hiệu quả chi phí trên doanh thu (CIR) tiếp tục được cải thiện ở mức 34,2% so với 35,5% năm 2017. Các chỉ số sinh lời và hiệu quả chi phí trên cho thấy VPBank là một trong những ngân hàng đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ tăng 31%
Năm 2018, lợi nhuận của Ngân hàng riêng lẻ (không bao gồm lợi nhuận công ty con chuyển về) tăng mạnh 31% so với năm trước, đạt xấp xỉ 5.100 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với năm trước đó và chiếm hơn 55% tổng lợi nhuận hợp nhất của cả ngân hàng.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng riêng lẻ cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao 29% so với năm 2017, đạt hơn 17.700 tỷ đồng.
Nếu loại trừ phần vốn góp vào các công ty con và lợi nhuận từ công ty chuyển về, ROE của ngân hàng riêng lẻ thậm chí đã tăng hơn so với mức 20,5% năm ngoái, đạt 21,1% cuối năm 2018. ROA cũng tăng từ 1,6% năm 2017 lên 1,8% năm 2018. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững của ngân hàng riêng lẻ đã góp phần giúp VPBank giữ vị thế cao ở nhóm các ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất thị trường.
Trong năm 2018, nguồn thu lãi vẫn đóng góp chủ yếu cho VPbank thông qua các hoạt động cho vay ở những phân khúc chiến lược như: tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Doanh thu từ phí cũng đóng góp quan trọng trong hoạt động kinh doanh của VPBank năm vừa qua. Năm 2018, tổng doanh thu từ phí đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước, đem về lãi ròng 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. Riêng khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của ngân hàng riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng tới 67% so với năm 2017. Đây là kết quả có được từ việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh như bảo hiểm, thẻ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng số. Điều này cũng cho thấy mức độ giảm dần sự lệ thuộc của ngân hàng vào các sản phẩm cho vay truyền thống, đa dạng hoá nguồn thu nhập.
Đáng chú ý, trong năm 2018, VPBank đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng nhà nước đề xuất áp dụng TT41/NHNN theo tiêu chuẩn Basel 2 trong 2019, trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn tất quá trình chuẩn bị và sẵn sàng tuân thủ Basel 2.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tăng cường chất lượng dịch vụ và chiến lược đẩy mạnh số hóa dịch vụ ngân hàng và mở rộng hoạt động kinh doanh ở những phân khúc khách hàng mới, nổi bật nhất là ứng dụng ngân hàng số di động YOLO của VPBank và $NAP của FE Credit.
Theo Ngọc Diệp/Thương gia