Home Ấn tượng 24H Nâng hạng thị trường chứng khoán, quy mô thị trường đạt 120%...

Nâng hạng thị trường chứng khoán, quy mô thị trường đạt 120% GDP vào năm 2025

0

Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ được cơ cấu lại để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Mục tiêu chung của đề án này là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Đề án còn đưa ra các mục tiêu cụ thể, như: quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.

Đến năm 2020, mục tiêu nâng số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số và đạt 5% dân số vào năm 2025, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Cũng theo đề án, trong thời gian tới sẽ đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020 và từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu trước năm 2025.

Đặc biệt, Đề án này đưa ra mục tiêu phải lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức chứng khoán theo quy định pháp luật, nâng chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức kinh doanh chứng khoán tăng 20% so với hiện tại.

Chính phủ đặt yêu cầu đến trước năm 2020 phải đổi mới toàn diện và đồng bộ các công ty niêm yết của Việt Nam đạt mức bình quân ASEAN – 6.

Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên danh sách các thị trường mới nổi sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Mục tiêu sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trước năm 2025 

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra 8 nhóm giải pháp quan trọng.

Cụ thể, về giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong năm 2019, trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung theo hướng: Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng hàng hóa và doanh nghiệp niêm yết; thu hút nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.

Về cơ sở hàng hóa, thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về việc niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hóa. Cùng với đó, thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Về giải pháp nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên TTCK; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên.

Về cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn về NĐT chuyên nghiệp để phân loại NĐT, tiến tới cấu trúc lại các loại sản phẩm và thị trường theo nhóm NĐT; điều kiện tiếp cận thị trường cho các NĐT nhỏ và NĐT nước ngoài thông qua việc cho phép các công ty chứng khoán mở tài khoản trực tuyến và xác thực khách hàng trực tuyến.

Riêng với NĐT tổ chức, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chương trình hưu trí tự nguyện (sản phẩm bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí). Đối với NĐT nước ngoài, nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp theo hướng mở rộng sở hữu nước ngoài tại các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ theo quy định của pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài dễ tiếp cận TTCK Việt Nam;

Về tăng cường tính thanh khoản cho thị trường: sẽ triển khai các loại lệnh mới trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt là các loại lệnh phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp; nới rộng biên độ giao động giá trong ngày theo chính chất của từng phân bảng cổ phiếu niêm yết, áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh, tăng thời gian giao dịch áp dụng cho một số giao dịch đặc biệt.

Ngoài ra, nghiên cứu triển khai mô hình vay và cho vay chứng khoán cơ sở phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro của tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Ngoài ra, Đề án còn đưa ra nhiều giải pháp về nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; giải pháp về nâng hạng thị trường; và tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.

Theo Hải Hà/Thương Gia