Đài điều khiển lá chắn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ đặt tại Romania. Ảnh: Reuters
Moskva cáo buộc Washington muốn triển khai tên lửa mới sau khi rút khỏi hiệp ước INF, cho biết quân đội Nga đã có biện pháp đối phó.
“Chúng tôi không thể làm ngơ trước khả năng các loại tên lửa mới của Mỹ xuất hiện ở khu vực có thể đe dọa lãnh thổ Nga. Chúng tôi không muốn xảy ra khủng hoảng tên lửa, không ai đạt được lợi ích từ những diễn biến như vậy”, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm qua cho biết.
Nga đang tìm cách ngăn Mỹ thực hiện kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) được Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 9. Moskva lo ngại Washington sẽ triển khai thêm tên lửa tới châu Âu, gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới. Quan chức Mỹ sau đó bác bỏ thông tin, cho biết Washington chưa có kế hoạch đặt thêm vũ khí ở khu vực này.
Việc duy trì Hiệp ước INF là một trong những chủ đề sẽ được Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn luận trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng này.
Nga cáo buộc Mỹ vi phạm INF khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại Ba Lan và Romania, cho rằng các bệ phóng thẳng đứng Mk. 41 của chúng có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn tới 2.500 km. Tuy nhiên, Ryabkov thừa nhận Mỹ sẽ khó thay đổi quyết định và tiết lộ quân đội Nga đã chuẩn bị cho kịch bản này.
Thứ trưởng Ryabkov khẳng định tên lửa 9M729 bị Mỹ cáo buộc vi phạm INF chưa bao giờ được thử nghiệm ở tầm bắn quá quy định trong hiệp ước này. Ông cho biết Moskva đã cung cấp lời giải thích chi tiết, cho thấy thiết kế quả đạn không có chỗ mang thêm nhiên liệu để tăng tầm bắn.
“Rất khó để biết những cáo buộc của Mỹ dựa vào đâu. Có khả năng thông tin tình báo đã bị chỉnh sửa để phục vụ mục đích chính trị, cũng có thể là hệ thống tình báo Mỹ đã đưa ra đánh giá sai lầm”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhận định.
Việc Mỹ rút khỏi INF đã gây ra nhiều lo ngại từ các đồng minh chủ chốt. Pháp khẳng định hiệp ước này có vai trò then chốt trong duy trì ổn định ở châu Âu, trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gọi đây là “một cột trụ quan trọng của kiến trúc an ninh châu Âu”.
INF được Washington và Moskva ký từ năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.