Dù thị trường hàng không phục hồi ấn tượng, nhưng không phải ai cũng có thể “cười” được như ACV với mức lãi hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Năm 2022, thị trường hàng không Việt đã trở lại đầy ấn tượng bất chấp sự biến động của giá nhiên liệu và những trở ngại trong việc mở lại các đường bay quốc tế.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không trong năm 2022 ước đạt 1,25 triệu tấn. Con số này bằng 95% so với năm 2021 và tương đương năm 2019).
Sản lượng vận chuyển hàng hóa nội địa đạt cũng 152.000 tấn (tương đương năm 2021 và bằng 60% so với năm 2019) và vận chuyển hàng hóa quốc tế ước đạt 1,1 triệu tấn (tương đương năm 2021 và tăng 10% so với năm 2019).
Đối với dịch vụ chở khách, trong năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách. Kết quả này đã tăng 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019.
Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách (tăng 3,5 lần so với năm 2021 và tăng 15,6% so với năm 2019) và vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (tăng 22 lần so với năm 2021 và bằng 27% so với năm 2019).
Sự phục hồi của thị trường hàng không cũng được minh chứng ngay bằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành năm 2022.
Theo báo cáo tài chính quý IV mới được Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) công bố, trong quý IV/2022, “đại gia sân bay” ghi nhận doanh thu thuần tăng gấp hơn 4,3 lần cùng kỳ, đạt 4.177 tỷ đồng; lãi gộp của ACV nhảy vọt lên 1,932 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần, tương đương hơn 2.094 tỷ đồng so với cùng kỳ (lỗ gộp 162 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng trở về mức ổn định 46%.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí khác, ACV báo lãi sau thuế quý IV/2022 lên gần 1.287 tỷ đồng, gấp gần 4,4 lần so với cùng kỳ, đánh dấu kỳ tăng thứ năm liên tiếp sau khi hoạt động vận tải hành khách chịu ảnh hưởng mạnh vì các đợt giãn cách xã hội khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam vào quý II và đặc biệt là quý III/2021.
Luỹ kế cả năm 2022, ACV ghi nhận doanh thu hơn 13.945 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế tăng gần gấp 9 lần so với năm 2021, đạt 7.127 tỷ đồng.
Với kết quả này, “ông lớn” trực tiếp khai thác vận hành 21 cảng hàng không trong cả nước đã vượt 34% mục tiêu doanh thu năm. Với lợi nhuận trước thuế 8.833 tỷ đồng, ACV cũng vượt 244% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, kể cả với bức tranh hàng không phục hồi, không phải ai cũng có thể “cười” được như ACV nhất là khi nhìn vào tình hình kinh doanh của các hãng bay.
Có mức doanh thu gần như trở lại mức trước đại dịch, hãng hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11.807 tỷ đồng trong quý IV.
Trong đó, nguồn thu lớn nhất đến từ việc vận chuyển hành khách (10.475 tỷ đồng); hoạt động phụ trợ (2.593 tỷ đồng); thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ (655 tỷ đồng), cho thuê tàu bay (534 tỷ đồng).
Tuy nhiên do các chi phí tăng mạnh, trong quý IV, Vietjet lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3.746 tỷ đồng, trong khi quý IV năm trước đó chỉ lỗ 82 tỷ đồng.
Khấu trừ các loại chi phí, hãng bay này chỉ còn lỗ sau thuế 2.358 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh kể trên. Tuy nhiên, kết quả quý IV/2022 vẫn là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của Vietjet.
Lũy kế cả năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp ba lần năm 2021. Lỗ gộp tăng 6% lên 2.167 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lãi gần 122 tỷ đồng của 2021.
Năm 2022, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32.720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, dù vượt 20% mục tiêu doanh thu nhưng hãng bay này lại đi lùi sâu nếu so về mục tiêu lợi nhuận. Thực tế đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi hoạt động, doanh nghiệp này báo lỗ.
Trước đó, Vietnam Airlines (HoSE: HVN) ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2022 đạt khoảng 19.500 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, Vietnam Airlines lại rơi vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gộp gần 830 tỷ đồng trong kỳ, cao hơn mức lỗ 635 tỷ đồng của quý IV/2021.
Khấu trừ các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ gần 2.700 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, đây đã là quý thứ 12 liên tiếp Vietnam Airlines kinh doanh thua lỗ.
Tính cả năm 2022, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt 70.500 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cả năm 2021 và tương đương trên 70% mức trước dịch năm 2019 nhưng vẫn chưa thể giúp hãng bù đắp được những chi phí tăng mạnh trong bối cảnh giá nhiên liệu bay, tỷ giá tăng mạnh năm ngoái.
Cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.091 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ này đã giảm 3.000 tỷ đồng so với năm 2021 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra hồi giữa năm.
Đến hết quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ luỹ kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm khoảng 10.200 tỷ, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ. Điều này cũng đẩy cổ phiếu của hãng hàng không này đến bờ vực hủy niêm yết bởi trước đó HoSE đã nhấn mạnh tới khả năng hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Đến hết ngày 31/12/2022, hãng hàng không quốc gia sở hữu 12.316 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó 3.390 tỷ đồng là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 53.139 tỷ đồng, tức gấp hơn 4,3 lần tài sản ngắn hạn.
Bamboo Airways mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh tuy nhiên hãng bay này đã ước tính lỗ hơn 3.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, cao hơn hẳn mức lỗ trên 2.200 tỷ đồng trong năm 2021. Trong khi đó, trung bình trong các năm trước dịch, Bamboo Airways cũng chỉ lãi khoảng 240-300 tỷ đồng/năm. Do đó, gần như một điều chắc chắn là hãng bay sẽ tiếp tục có thêm một năm báo lỗ đậm.
Vietravel Airlines chưa có thống kê chính thức về kết quả kinh doanh tuy nhiên một trong những động thái gần đây hãng bay này vừa đề xuất với Chính phủ tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không lên mức 7,642 tỷ đồng vào năm 2025, tức tăng hơn 6.300 tỷ đồng so với hiện nay.
Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ, việc tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của hãng, trong đó chủ yếu giúp tăng quy mô đội tàu bay.
Ông nói thêm giai đoạn vừa qua, do dịch và quy mô đội bay còn nhỏ, hãng vẫn chưa thể có lãi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng muốn nhanh chóng tăng đội tàu bay để đón đầu nhu cầu vận tải hàng không, du lịch sau hai năm đại dịch. Sau hơn 2 năm cất cánh, Vietravel Airlines đang sở hữu đội tàu bay 3 chiếc Airbus A321, với quy mô vốn 1,300 tỷ đồng.
Lê Mạnh Quốc