Hiện nay có hiện tượng chủ đầu tư trả nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm bất động sản chứ không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Chiều ngày 12/5, Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vướng mắc, rủi ro pháp lý và giải pháp cho Nhà thầu xây dựng Việt Nam”.
Qua đó, đại diện các doanh nghiệp xây dựng tham gia Hội thảo đều chia sẻ chưa bao giờ họ gặp phải những khó khăn như thời điểm hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhà thầu xây dựng vẫn luôn là đối tượng “yếu thế” từ trước đến nay.
Lời thì ít, lỗ thì nhiều
Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta chia sẻ trường hợp của doanh nghiệp khi tiến hành xây dựng toà nhà chung cư cao cấp trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội.
Sau khi hoàn thành xây dựng, tiến hành nghiệm thu và bàn giao công trình, chủ đầu tư bắt đầu có hành vi “lươn lẹo” không trả tiền cho nhà thầu xây dựng. Sau thời gian dài tranh chấp, công ty trên đã đổi tên và toàn bộ công ty đã “trốn” vào miền Nam.
Sau nhiều lần kiện cáo, thậm chí phía Xây dựng Delta còn phải cử người “đuổi” theo bên chủ đầu tư đang nợ tiền kia nhưng đến nay vẫn chưa đòi lại được toàn bộ số tiền theo đúng quy định.
Ngoài ra, phía Xây dựng Delta còn nêu vấn đề hợp đồng trọn gói ký kết với doanh nghiệp theo dạng “lời ăn, lỗ chịu”. Thế nhưng tại một số dự án, chủ đầu tư khi quyết toán yêu cầu kiểm tra tiên lượng lại khối lượng trong khi công việc làm đúng theo hợp đồng, phần khối lượng tăng thì không được bổ sung, khối lượng giảm thì cắt đi.
Mặc dù nhà thầu nhiều lần kiến nghị nhưng không thể bảo vệ được, tất cả rủi ro nhà thầu đều phải gánh chịu.
Bên cạnh đó còn phát sinh vấn đề, tại một số dự án, cơ quan quản lý khi thực hiện kiểm toán, quyết toán vẫn yêu cầu chiết tính lại đơn giá, bóc tách khối lượng dẫn đến làm mất bản chất của hợp đồng trọn gói và dẫn đến người chịu thiệt vẫn là nhà thầu xây dựng.
Theo đó, đại diện của doanh nghiệp đề xuất có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ chất lượng phục vụ nghiệm thu đối với từng loại HĐ, quy định cụ thể về việc không áp dụng rà soát định mức đơn giá trong việc thanh, quyết toán HĐ trọn gói, HĐ theo đơn giá cố định trên phạm vi toàn quốc, tránh mỗi nơi làm mỗi kiểu, gây khó khăn cho nhà thầu.
“Nhà thầu xây dựng là khổ nhất, ông nào cũng bắt nạt được”, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) bộc bạch.
Phân tích kỹ hơn, ông Hiệp chia sẻ ngành xây dựng hiện nay đang vận hành trong bối cảnh nợ chồng nợ, tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nhà thầu phụ nợ nhà cung cấp… như một mớ bòng bong.
Theo đó, tình hình và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng ngày càng khó khăn, càng ngày càng lụi bại, chủ đầu tư chậm thanh toán khiến nợ đọng kéo dài đã “đẩy” các doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trước nguy cơ phá sản.
Ông Hiệp cho biết, dù đã nhiều lần đóng góp ý kiến, kiến nghị lên các cấp Chính phủ để có những chỉ đạo kịp thời nhưng đến nay “thế khó” của ngành xây dựng vẫn đang tồn tại.
Do đó, đại diện cho các nhà thầu, Chủ tịch VACC bày tỏ mong muốn hành lang pháp lý sớm được hoàn thiện đồng thời tăng tính răn đe để giải quyết dứt điểm các tranh chấp xảy ra giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Đồng thời gây dựng nên một môi trường kinh doanh vận hành an toàn, lành mạnh cho tất cả các chủ thể.
Chủ đầu tư chây ì thanh toán cho nhà thầu
Theo ông Khương Tất Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) cho biết bản chất của việc đầu tư xây dựng cơ bản thường kéo dài, vốn đầu tư lớn, gồm nhiều thành phần, từ chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, thanh tra, kiểm toán.
Trong khi hợp đồng xây dựng với nhiều tài liệu, bao hàm lượng lớn thông tin với những điều khoản có thể “đấu đá” nhau, thời gian thực hiện kéo dài với nhiều hoạt động, nên nguy cơ phát sinh ra các vấn đề tranh chấp là khó tránh khỏi.
Thực tế, nhiều nhà thầu xảy ra mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành, nhưng liên quan nhiều nhất vẫn là công tác thanh toán, dẫn đến nợ đọng kéo dài. Thậm chí hiện nay còn có hiện tượng chủ đầu tư trả nợ cho nhà thầu bằng sản phẩm bất động sản chứ không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Chia sẻ thêm về khó khăn của doanh nghiệp làm xây dựng, nhiều chuyên gia đều đồng tình một khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải đó là việc nếu tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu được đem ra toà thì thời gian thụ lý diễn ra rất lâu, kéo dài trong nhiều năm.
Trong quá trình tranh chấp, số lượng vụ án được thụ lý tại tòa án hoặc Trung tâm trọng tài quốc tế cực ít, thời gian xử kéo dài phải kéo dài 3 – 5 năm, thi hành án khó khăn, thu hồi tài sản thấp, hậu quả là các nhà thầu không dám mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thiết bị.
Kết cục cuối cùng là dù thắng kiện, các nhà thầu xây dựng vẫn tốn cả thời gian và chi phí và thu hồi lại “được tiền gốc còn khó chứ đừng nói là lãi như phán quyết”.
Khi tranh chấp xảy ra tại Hợp đồng xây dựng, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội khoá XV cho rằng, việc tiến hành giải quyết bằng trọng tài và hòa giải sẽ đem lại hiệu quả nhanh chóng.
Bởi tại nhiều quốc gia trên thế giới, phương thức này được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, đó là sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Hồng Nhung