Home Tiêu điểm Nghị định mới về giao dịch điện tử trong hoạt động tài...

Nghị định mới về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có thể được ban hành trong tháng 12

0

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký và trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 27

Thông tin tại “Hội nghị đối thoại về thuế và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018”, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay cơ quan này đã xây dựng Nghị định giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính thay thế cho thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP (Nghị định 27).

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, qua thời gian, việc thực hiện Nghị định 27 đã tạo tiền đề cho các giao dịch điện tử trong ngành tài chính. Tuy nhiên đến nay, yêu cầu đòi hỏi về tính cải cách, hiện đại hoá, làm sao để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, làm sao để ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào ngành tài chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp càng mạnh.

Do đó, Bộ Tài chính đã xây dựng nghị định mới để thay thế cho Nghị định 27 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính. Nghị định mới quy định rất rõ về giá trị các chứng từ điện tử, chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy như thế nào và từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử như thế nào, bao gồm cả về pháp lý, lưu trữ, thanh tra, kiểm tra…

“Nghị định đã đến giai đoạn cuối cùng. Cụ thể Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký hôm thứ 6 vừa rồi và trình Chính phủ ban hành. Chúng tôi cũng hy vọng nghị định này sẽ được ký ban hành trong tháng 12/2018”, bà Vũ Thị Mai thông tin.

“Tôi mong tất cả các doanh nghiệp hết sức chú ý và quan tâm!”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Được biết phạm vi điều chỉnh của nghị định là giao dịch điện tử giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tài chính, bao gồm: ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước, thuế, phí, lệ phí, thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã, hải quan, kế toán, quản lý nhà nước về giá, chứng khoán, dịch vụ tài chính, dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán, kinh doanh bảo hiểm.

Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, cho hay Nghị định 27 đã ban hành hơn 10 năm, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành.

Cụ thể, xu hướng điện tử hóa các giao dịch ngoài xã hội và chính phủ điện tử yêu cầu phải đẩy mạnh pháp lý hóa giao dịch điện tử, sử dụng văn bản pháp lý để tạo áp lực, triển khai giao dịch điện tử đối với chính các cơ quan nhà nước;

Các luật chuyên ngành sửa đổi, các luật mới ban hành có liên quan đến giao dịch điện tử như Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật An ninh mạng 2018 cũng yêu cầu phải điều chỉnh các văn bản quy định cũ về giao dịch điện tử để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2016, để giải quyết yêu cầu cấp bách của việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 36a/NQ-CP, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Kết quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2016/NĐ-CP, giải quyết vướng mắc về áp dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính, đồng thời bãi bỏ các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, Nghị định 156 mới chỉ giải quyết một phần các vấn đề cần xử lý.

Theo đó, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27 chủ yếu khắc phục những nhược điểm từ trước đến nay, hướng tới giao dịch điện tử hoàn toàn, chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy, đón những công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0…

Theo Anh Phan/VietnamFinance