Nếu thanh khoản không có sự cải thiện mạnh, chỉ số khó có thể tiến xa từ vùng giá hiện tại.
Thanh khoản thấp, VN-Index chưa thể đi xa
“Vụt sáng” phiên chiều 23/1
Rung lắc mạnh trong phiên sáng và giảm điểm những phút đầu phiên chiều, tuy vậy dòng tiền sau đó đã kéo thị trường tăng một mạch chạm mốc 910 điểm. Việc lực cầu không kéo dài được lâu và áp lực chốt lời rất mạnh sau đó đã đẩy thị trường thoái lui về mốc 908,18 điểm, tăng 1,63 điểm, tương đương tăng 0,18% so với mức mở cửa. Thanh khoản sàn HoSE đạt 139 triệu cổ phiếu, giảm so với mức 152 triệu đơn vị của phiên trước.
Thị trường tăng điểm, các nhóm cổ phiếu cũng đều có sự tăng trưởng, nhưng chỉ là tăng nhẹ! Nhóm Ngân hàng tăng 0,54%; Bất động sản tăng 0,17% và Dầu khí tăng 0,07%.
Nói về các “công thần” của VN-Index trong phiên chiều phải kể đến các mã ngân hàng như VCB (+0,4%), MBB (+0,5%), VPB (+1,3%), CTG (+2,0%) và đặc biệt là STB (+3,8%).
Ngoài ra, cũng phải nhắc đến các mã như VIC (+0,2%), HPG (+1,9%), VNM (+0,4%), GAS (+0,3%), VRE (+0,5%),…
Nhận định về phiên giao dịch 24/1
Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC): Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen trong những phiên còn lại của tuần. Sự phân hóa mạnh ở các dòng cổ phiếu sẽ tiếp diễn và dòng tiền có thể hoạt động tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu bluechips trong rổ VN30. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading đối với các vị thế ngắn hạn trong những tuần cận tết. Tỷ trọng danh mục giai đoạn này nên được duy trì ở mức tối đa 30-35% cổ phiếu.
Công ty Chứng khoán MB (MBS): Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi tình thế với mức thanh khoản vẫn thấp như hiện tại. Lúc này ở bên ngoài có dấu hiệu đang trong đợt điều chỉnh vì vậy thị trường chỉ cần dao động tích lũy cũng đã là thành công. Điều tích cực là chỉ số tăng nhẹ nhưng mặt bằng cổ phiếu đang có mức tăng tốt, sẽ là vùng đệm để chỉ số khó điều chỉnh và chỉ cần có dòng tiền đứng lên dẫn dắt thì thị trường sẽ đi lên bền vững.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Dấu hiệu “tạo đáy” của hai chỉ số vẫn đang được củng cố, tuy nhiên cả hai chỉ số đều lưỡng lự trước vùng ranh giới hồi phục và có khả năng thị trường cần thêm thời gian để tích lũy. Do đó, nhà đầu tư nên tiếp tục bám sát thị trường và lựa chọn cổ phiếu, chờ giải ngân dần dần tại vùng giá hoặc mô hình kỹ thuật hợp lý.
Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI): Dao động tăng giảm đan xen có thể sẽ tiếp diễn trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin cũng như tâm lý thận trọng đang ở mức cao. Sự phân hóa vẫn sẽ diễn ra mạnh mẽ, trong đó dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV/2018 như Dệt may, Thủy sản. Diễn biến hồi phục được kỳ vọng sẽ xuất hiện sau đó với sự nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn.
Tuy nhiên, nếu thanh khoản không có sự cải thiện mạnh, chỉ số khó có thể tiến xa từ vùng giá hiện tại. Nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt.
Theo Thiên Đồng/VietnamFinance