Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, vấn đề nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp đã được cảnh báo rất nhiều lần, rất nguy hiểm, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn ta cần phải giữ.
Môi trường đầu tư hiện rất “kẹt”
Sáng 9/5, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối diện trong phần giải trình báo cáo Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Dòng tiền khó khăn là vấn đề đầu tiên mà ông Dũng đưa ra. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, “lúc thì thả ra nhanh quá, lúc thì lại siết lại quá”, nên các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn.
“Nhiều doanh nghiệp lớn chúng tôi biết đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán, đấy là việc rất đáng lo ngại và bán theo giá nào, hiện nay bán có 50% giá thực. Người mua là ai, người mua toàn là nước ngoài”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, đây là câu chuyện đã được cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm. Nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. “Đây là vấn đề chúng tôi rất lo ngại”, Bộ trưởng khẳng định.
Vấn đề thứ hai, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thực tế các thủ tục đầu tư hiện nay không làm, hoặc phải mất độ 2 năm mới giải quyết được một vấn đề, có thủ tục mất một năm khiến các doanh nghiệp không thể làm được.
“Kinh tế đã khó khăn như thế nhưng tinh thần giải quyết công việc không có, cho nên rất khó”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tiếp theo, Bộ trưởng cho rằng môi trường đầu tư hiện nay rất kẹt. “Chúng ta đấu tranh mấy năm nay, thể chế đã cải thiện rất nhiều để giảm điều kiện kinh doanh, nhưng giờ thông qua các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng nghìn thủ tục”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, đang rà soát, xem văn bản nào trái quy định, hạn chế của người dân, doanh nghiệp.
Theo ông, đây là những vấn đề làm cản trở, ách tắc hoạt động nền kinh tế hiện nay. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Chính phủ đã rất nỗ lực với nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện được đưa ra, bước đầu đã có chuyển biến tích cực và từ tháng 4 đã có những dấu hiệu tốt.
Tuy nhiên, ông Dũng lo ngại để mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì các quý còn lại, tăng trưởng phải xấp xỉ 8%. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu tình hình thế giới, trong nước có chuyển biến tốt vẫn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, song ông phải thừa nhận “chỉ tiêu này rất thách thức”.
Nền kinh tế tiếp tục khó khăn
Trước đó, trong phần trình bày tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 (5,6%).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 04 tháng giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78.900 doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77.000 doanh nghiệp).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng lần lượt giảm 13,6%, 11,8% và 15,4%, nhất là xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm như: Mỹ (giảm 22,1%), EU (giảm 14,1%), Hàn Quốc (giảm 6,9%), ASEAN (giảm 1,3%).
“Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/4 chỉ tăng 2,66%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công.
Với chính sách tiền tệ cần điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân…
Tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị. Triệt để xử lý các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ…
Nguyễn Thu Huyền