Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) điều chỉnh chính sách tiền tệ của đang làm dấy lên những mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Nhật báo Les Echos cảnh báo rằng việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) điều chỉnh chính sách tiền tệ của đang làm dấy lên những mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Theo báo này, việc tăng lãi suất để chống lạm phát và đối phó với xu hướng tăng trưởng kinh tế chậm chạp do căng thẳng ở Ukraine đang làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới ở Eurozone. Đó là chưa kể tình hình giờ đây đã khác rất nhiều so với 10 năm trước.
Liệu có thể xảy ra cuộc khủng hoảng như vậy? Mặc dù rất khó để trả lời câu hỏi này một cách chắc chắn, nhưng rõ ràng đây là thời điểm nguy hiểm và cuộc sống của người dân ở Eurozone dường như sẽ khó có sự phẳng lặng trong hai năm tới.
ECB muốn chống lại lạm phát, vốn đã đạt 7,5% trong hơn một năm trở lại đây. Thị trường dự đoán lãi suất huy động trong khu vực sẽ tăng khoảng 1,5% vào cuối năm 2023, so với -0,5% hiện nay.
Đồng thời, khi hoạt động kinh tế chậm lại do lạm phát, các chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và để tránh những tác động tiêu cực của việc giá cả tăng làm ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình. Pháp đã bơm 25 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế và Đức cũng bơm 30 tỷ euro.
Điều này khiến nợ công ngày càng cao. Lãi suất tại các quốc gia như Hy Lạp và Italy đã tăng mạnh, phản ánh thực tế là các nhà đầu tư coi các quốc gia này là những môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Hiện tại, Pháp là thị trường được đánh giá là tương đối an toàn, nhưng không có gì để bảo đảm rằng tình hình sẽ vẫn như vậy. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã bày tỏ mong muốn được thấy châu Âu “quay trở lại với nền tài chính công lành mạnh”.
Việc tăng lãi suất này cũng có thể làm suy yếu các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong Eurozone và tạo ra một cuộc khủng hoảng. Đặc biệt, kể từ năm 2011, nợ công đã gia tăng ở Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Sylvain Broyer, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Ratings tại châu Âu, dự đoán “nguy cơ căng thẳng sẽ thực sự hiện hữu trong năm 2023, khi các quốc gia sẽ buộc phải có các chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ hoạt động kinh tế”.
Khi đó, tình hình có thể sẽ căng thẳng. Nền kinh tế châu Âu có thể chịu được đợt tăng lãi suất của ECB lên tới 1% hoặc 1,5%. Sau đó khó khăn sẽ nảy sinh vì nếu giá tiếp tục tăng, ngân hàng trung ương khi đó sẽ ở thế khó xử giữa tăng trưởng và lạm phát.
Tuy nhiên, năm 2022 sẽ không giống với năm 2012. “Eurozone đã đưa ra một kế hoạch phục hồi là NextGen EU với mục tiêu làm cho các nền kinh tế châu Âu hội tụ trong bối cảnh sự khác biệt về cạnh tranh mức chi đã được thu hẹp. Do đó, tình hình đã khác so với thập kỷ trước trong cuộc khủng hoảng nợ chính phủ”, nhà kinh tế trưởng Sylvain Broyer nhận xét.
“Vấn đề đối với khả năng thanh toán của các quốc gia có thể đến từ tác động vĩnh viễn của một cú sốc đối với nền kinh tế châu Âu, điều đó sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng. Toàn bộ câu hỏi đặt ra là liệu việc tăng giá năng lượng có phải là một trong số đó và liệu xu hướng này có kéo dài hay không?”, ông đánh giá.
Trong khi đó, cũng có những người lạc quan thực sự. “Tôi không tin vào một cuộc khủng hoảng nợ chính phủ ở Eurozone tương tự như năm 2011-2012 bởi vì các cơ chế để tránh khủng hoảng đã được kích hoạt kể từ giai đoạn đó, chẳng hạn như giao dịch tiền tệ online (OMT) hoặc sự ra đời của ESM (Cơ chế ổn định châu Âu). Ngoài ra, ECB với các chương trình mua lại nợ công đã cho thấy khả năng đảm bảo việc truyền tải chính sách tiền tệ phù hợp”, Michala Marcussen, nhà kinh tế trưởng tại Societe Generale, giải thích.
“Rủi ro đối với tái cơ cấu nợ công của một quốc gia lớn trong Eurozone là rất thấp. Điều này được phản ánh qua mức chênh lệch vừa phải hiện nay, bao gồm cả đối với Italy. Miễn là các nhà lãnh đạo chính trị không nghi ngờ về giả định này và miễn là chính phủ của mọi quốc gia không bày tỏ sự bất đồng cơ bản với các thể chế châu Âu, thì khủng hoảng nợ sẽ rất khó xảy ra”, nhà kinh tế trưởng Michala Marcussen nói tiếp.
Tuy nhiên, sẽ là cần thiết để tìm ra một thỏa hiệp trong liên minh giữa Đức, quốc gia luôn lo lắng chống lạm phát và giữ chặt nguồn tài chính công của mình, và Pháp, nước thích theo trường phái Keyne hơn, tức là tăng chi tiêu công để kéo sản xuất và việc làm tăng theo, nhờ đó giúp cho nền kinh tế thoát khỏi suy thoái./.
Thu Hà (P/V TTXVN Tại Paris)
Link nguồn: https://bnews.vn/nhieu-lo-ngai-ve-nguy-co-khung-hoang-moi-o-eurozone/246327.html