Thực tế cho thấy nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu được hưởng “quả ngọt” từ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Việc Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định 1058) đã tạo cơ sở pháp lý để toàn ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai các giải pháp tái cơ cấu hệ thống TCTD, đặc biệt là các TCTD yếu kém; đẩy mạnh xử lý nợ xấu (XLNX) và các khoản nợ nguy cơ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, góp phần ổn định hệ thống TCTD và đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động tiền tệ, ngân hàng; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, qua hơn một năm triển khai Quyết định 1058, hoạt động của toàn ngành Ngân hàng đã có chuyển biến tích cực. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao, dần tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu (XLNX) nghiêm túc, có hiệu quả…
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TCTD đạt khoảng 10,91 triệu tỷ đồng, tăng 9,17% so với năm 2017; Tỷ lệ an toàn vốn bình quân của TCTD đạt 12,08%. Hầu hết TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, đến cuối năm 2018 đạt 566,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 787,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,36%.
Như vậy có thể thấy, nhiều TCTD bắt đầu được hưởng “quả ngọt” từ tái cơ cấu và XLNX. Kết quả kinh doanh 2018 là một trong những minh chứng cụ thể. Một số ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận trước thuế. Đặc biệt, cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng có sự chuyển dịch tích cực với tỷ lệ thu từ dịch vụ ngày càng tăng. Mạnh tay XLNX cũ, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu tốt đã mang lại cho các ngân hàng những khoản thu đáng kể, đồng thời giảm được trích lập dự phòng rủi ro.
Theo Hoài Dương/Thời báo Chứng khoán