Ba lãnh đạo ngân hàng tuổi Tuất gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh và bà Thái Hương không chỉ có một năm thành công trong lĩnh vực ngân hàng, mà cơ nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng của ba doanh nhân này cũng đạt được thành quả rất tích cực.
Ba lãnh đạo ngân hàng tuổi Tuất gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo (bên trái), ông Hồ Hùng Anh (giữa) và bà Thái Hương.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1970, Canh Tuất)
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, là nữ tỷ phú USD đầu tiên và hiện là duy nhất của Việt Nam theo xếp hạng của tạp chí danh tiếng Forbes. Hiện bà đang đảm đương cương vị Tổng giám đốc của hãng hàng không VietJet Air, đồng thời là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.
Năm Mậu Tuất 2018 là một năm thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi cả Vietjet và HDBank đều ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng.
Với Vietjet, hãng hàng không này đạt tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng trong năm qua, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước và đạt 112% so với kế hoạch. Doanh thu phụ trợ tăng trưởng 57% so với cùng kỳ, trong đó cơ cấu doanh thu phụ trợ có sự chuyển dịch từ 25% năm 2017 lên gần 27% năm 2018.
Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
HDBank thậm chí còn gây ấn tượng hơn với mức tăng lợi nhuận trước thuế lên đến 66%, đạt 4.005 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.646 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước dù dư nợ tín dụng trong năm chỉ tăng 18,2%. Tổng thu nhập hoạt động đạt 9.438 tỷ đồng, tăng 25,7%.
Bên cạnh đó, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng hơn 2 lần, lên 298 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, khi đạt mức lãi thuần 438 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ ở mức 0,97%, thấp bậc nhất ngành.
Năm Mậu Tuất 2018 cũng là năm vị nữ tỷ phú USD của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.
Một trong những phát biểu ấn tượng nhất của bà Thảo trong năm Mậu Tuất là tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 tổ chức hồi giữa tháng 1. Diễn đàn cho Chính phủ cùng Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức.
“Là doanh nghiệp năm nay vận hành hơn 80 tàu bay nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. Chúng tôi nói đùa là tư nhân chúng tôi không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách”, CEO của Vietjet nói.
Doanh nhân Hồ Hùng Anh (sinh năm 1970, Canh Tuất)
Năm Mậu Tuất 2018 có thể coi là một trong những năm rực rỡ nhất của ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Sự rực rỡ này không chỉ đến từ việc Techcombank chính thức lên sàn HoSE trong năm qua, lọt top 10 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, mà còn đến từ kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng của Techcombank trong năm 2018.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này lên đến 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với 2017. Con số này không chỉ đưa Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, mà còn giữ ngôi á quân lợi nhuận ngân hàng năm 2018, chỉ đứng sau “ông lớn” Vietcombank, xếp trên VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank, MB.
Ngoài Techcombank, ông Hồ Hùng Anh cũng là một trong những ông chủ của Tập đoàn Masan. Tuy nhiên năm 2018, nhằm đáp ứng quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (hoặc làm lãnh đạo ngân hàng, hoặc làm lãnh đạo doanh nghiệp), ông Hồ Hùng Anh đã rời cương vị Phó Chủ tịch Masan để giữ ghế Chủ tịch Techcombank.
9 tháng năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Masan lên đến 4.804 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2017. Một thành quả rất ấn tượng.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 (Canh Tuất) tại Hà Nội, quê Thừa Thiên Huế. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Điện tử tại Liên Xô. Năm 24 tuổi, ông là Giám đốc Công ty SNMEX – Cộng hòa liên bang Nga và 3 năm sau trở thành Tổng giám đốc Công ty MASAN – RUS TRADING. Năm 2004, tức năm 34 tuổi, ông trở thành Chủ tịch HĐQT công ty này.
Cùng năm, ông đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Masan. 4 năm sau (năm 2008), ông là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan.
Ông Hồ Hùng Anh làm Thành viên HĐQT Techcombank năm 2004, Phó Chủ tịch năm 2005 và Phó Chủ tịch thứ nhất năm 2006. Tới năm 2008, ông làm Chủ tịch HĐQT Techcombank và đảm nhiệm đến nay.
Doanh nhân Thái Hương (sinh năm 1958, Mậu Tuất)
Doanh nhân Thái Hương sinh năm 1958, quê Nghệ An, là người sáng lập Tập đoàn TH – TH True Milk, đồng thời là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank).
Năm 2018, BacABank gây ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 842 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, chỉ 0,76%. Tổng tài sản 97.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ở mức gần 64.000 tỷ đồng.
Một trong những sự kiện quan trọng gắn liền với bà Thái Hương trong năm 2018 là việc Tập đoàn TH chính thức khởi công nhà máy chế biến sữa công suất 1.500 tấn/ngày tại Kaluga, Liên bang Nga.
Nước Nga được bà Thái Hương “coi như quê hương thứ hai”, theo lời bà. Người đứng đầu Tập đoàn TH từng chia sẻ rằng: “2 trong số 3 người đàn ông ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời doanh nhân của tôi đều thuộc về Liên Xô và nước Nga vĩ đại”.
Người đầu tiên là chàng thanh niên giàu nghị lực, hoài bão Paven Coocsaghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”. Người thứ 2 là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Với bà, người đàn ông quyền lực số 1 nước Nga không chỉ đơn giản là một nguyên thủ tài ba, mà cái cách ông chèo lái con thuyền Nga trước cơn bão khủng hoảng, cấm vận để giữ vị trí một cường quốc trên thế giới thực sự đã truyền cảm hứng cho bà.
Năm vừa qua cũng là năm bà Thái Hương tiếp tục đón tin vui về kết quả kinh doanh. Theo số liệu đo lường bán lẻ toàn thị trường thành thị do Nielsen cung cấp thì trong 11 tháng đầu năm 2018, sữa TH True Milk tăng trưởng gần 22% về sản lượng (trong khi cả ngành hàng sữa nước hầu như không tăng), tăng trưởng 30% về doanh thu. Tới nay thị phần của TH True Milk trong phân khúc sữa tươi tại các kênh bán lẻ thành thị đạt gần 40%.
Lãi ròng năm 2014 của TH là 27 tỷ đồng, năm 2015 tăng lên gấp đôi và tăng lên 130 tỷ đồng năm 2016. Năm 2017, lãi ròng đạt 319 tỷ đồng và năm 2018 là 450 tỷ đồng. Năm vừa qua, TH cán mốc doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng.