Những tháng cuối năm, nhu cầu từ thị trường bán lẻ được dự báo tăng càng khiến “cơn khát” nguồn cung nhà xưởng, kho bãi thêm gay gắt.
Thông tin trên báo Đầu tư, trong cuộc khảo sát thường niên của Cushman & Wakefield với các khách hàng hàng đầu toàn cầu cho thấy, Việt Nam là thị trường mới nổi ưa thích của họ để đầu tư, chiếm gần 80% số phiếu bầu. Đáng chú ý, với quy mô thị trường lớn, số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục.
Năm 2023, thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến đạt hơn 20 tỷ USD. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), doanh thu thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2023, khi đạt khoảng 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, với sự phát triển của thương mại điện tử, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản logistics chất lượng cao.
Hiện, tổng nguồn cung nhà kho ở Hà Nội và Tp.HCM chỉ đạt lần lượt 2,022 triệu m2 và 5,13 triệu m2. Các khu công nghiệp và hậu cần kho bãi tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang có tỉ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%.
Nhu cầu sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới, nguồn cung không thể đáp ứng khiến sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ và vận chuyển tăng lên. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm, khi nhu cầu từ thị trường bán lẻ được dự báo tăng bằng lần sẽ càng khiến “cơn khát” nguồn cung nhà xưởng, kho bãi trở nên gay gắt hơn.
Thông tin trên Vietnam+, các chuyên gia dự báo trong 2 năm tới, giá thuê đất công nghiệp vẫn còn dư địa tăng trên địa bàn toàn quốc. Dự kiến, giá thuê sẽ tăng ở ngưỡng 6-10%/năm tại khu vực phía Bắc và 4-8%/năm tại khu vực phía Nam.
Khảo sát của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CBRE Việt Nam cho thấy nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy giá thuê tăng trưởng tại nhiều địa phương. Cùng đó, giá thuê kho xưởng xây sẵn dự báo tăng nhẹ từ 2-4%/năm trong hai năm tới. Các dự án mới với thông số kỹ thuật tốt và vị trí thuận tiện sẽ có mức giá thuê cao hơn trung bình thị trường.
Trong 3 quý của năm 2023, khách thuê tới từ Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu là những nhà đầu tư tích cực tìm kiếm đất công nghiệp và kho xưởng tại thị trường Việt Nam; chiếm khoảng 70-80% số lượng hỏi thuê tới CBRE tại cả khu vực phía Nam và phía Bắc.
Đánh giá về xu hướng trong tương lai, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội – nhận xét thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến với kỳ vọng tăng trưởng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, sự chuyển dịch và đa dạng về ngành nghề của các doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt, xu thế sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao. Cùng đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp, khách thuê đưa mục tiêu về phát triển bền vững vào tiêu chí lựa chọn địa điểm phát triển nhà máy, thuê kho xưởng. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nguồn cung mới các công trình xanh trong tương lai, bà An phân tích.
Không chỉ riêng bất động sản công nghiệp, Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, thị trường logistics sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” tại Việt Nam bởi đây chính là điểm đến – lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư toàn cầu về lĩnh vực công nghiệp logistics ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Nhận ra tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đã mở các trung tâm logistics tại Việt Nam. Năm 2022, công ty cung cấp dịch vụ cung ứng FM Logistic có trụ sở chính tại Pháp khai trương Trung tâm phân phối đô thị mới có diện tích 20.000 m2 tại Dĩ An (Bình Dương). Đây là trung tâm phân phối đô thị đa khách hàng cho các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và ngành bán lẻ. Ngay sau đó, họ đã có được hợp đồng quản lý dịch vụ vận hành trung tâm phân phối đa kênh và giao hàng chặng cuối cho gần 10.000 cửa hàng tạp hóa truyền thống tại các khu vực trong Tp.HCM.
Mới đây, FM Logistic Việt Nam cũng khánh thành trung tâm phân phối đa khách hàng hiện đại ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Trung tâm này có diện tích trên 20.000 m2, khả năng mở rộng lên đến 50.000 m2, trang bị 78 cửa xuất nhập hàng, cùng các tính năng thiết lập an toàn và bảo mật cao, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, quản lý, vận hành và phân phối, tối ưu hóa chi phí.
Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam nhận định, thời gian tới, thị trường dịch vụ kho bãi sẽ có xu hướng dịch chuyển ra xa Tp.HCM.
Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng tầm giá trị chuỗi cung ứng của nhà sản xuất và đây chính là thời cơ vàng để tăng GDP. Đặc biệt, vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, hai bên đã đạt thỏa thuận về hợp tác toàn diện, phát triển thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn.
Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút “đại bàng” đến làm tổ.
“Năm 2022, Việt Nam được xếp hạng 11 trong 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân là 14-16%/năm, đưa đóng góp của logistics vào GDP hàng năm ở mức 4-5%; góp phần quan trọng trong việc nâng cao tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam”, đại diện Cushman & Wakefield thông tin.
Theo báo Đầu tư, hạ tầng là một phần tất yếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường logistics. Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping, cho rằng, điều ngành logistics Việt Nam cần làm ngay là chuyên biệt hóa kho xưởng, đơn giản hóa các kho xưởng và không làm quá nhiều kho ở khắp nơi và kho tổng hợp chung chung, mà chỉ làm một thứ cho thật tốt.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty Western Pacific chỉ rõ điểm nghẽn lớn nhất của logistics Việt Nam là hạ tầng, với việc thiếu quy hoạch từ địa phương, vùng miền, đã làm chi phí tăng lên, giảm năng lực cạnh tranh.
“Trong 5 năm gần đây, các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực logistics rất nhiều. Họ đã sở hữu hạ tầng với số diện tích bằng của các doanh nghiệp trong nước cộng lại. Cộng đồng logistics Việt Nam nếu không ngồi lại với nhau để tìm cách khắc phục những bất cập thì miếng bánh ngon này sẽ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp logistics Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà”, bà Huệ lo ngại.
Minh Hoa (t/h)