Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền thì những “đại gia” này lại sở hữu “kho tiền” lên tới cả tỷ USD gửi tiết kiệm ngân hàng để thu được cả nghìn tỷ đồng tiền lãi.
Trong năm 2023, sau những lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại đã liên tục được điều chỉnh giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng tiền nhàn rỗi từ người dân và doanh nghiệp vẫn chảy mạnh vào hệ thống. Cuối 2023, hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.
Thống kê cho thấy, cuối năm 2023 trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng vốn kinh doanh thì cũng có không ít những “đại gia” trên sàn chứng khoán sở hữu “kho tiền mặt” lên tới cả tỷ USD (trên 24.000 tỷ đồng) đang gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi.
Theo đó, Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS – GAS) là doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 40.752 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này chiếm 46% tổng tài sản của GAS và tăng hơn 6.000 tỷ đồng trong một năm. Khoản tiền gửi ngân hàng đã đem về cho công ty 2.025 tỷ đồng lãi, tăng 67% so với năm trước, tính trung bình mỗi ngày GAS thu về số tiền 5,5 tỷ đồng tiền lãi tiết kiệm gửi ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp tăng cường tích trữ tiền mặt trong năm 2023 vừa qua
Một doanh nghiệp khác cũng thuộc “họ dầu khí” có lượng tiền khổng lồ là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Tại ngày 31/12/2023, công ty này có 38.122 tỷ đồng tiền và tiền gửi, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với đầu năm. Lãi từ tiền gửi ngân hàng trong năm qua hơn 1.599 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước.
Tập đoàn Vingroup – VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đang sở hữu kho tiền lên tới có 34.960 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó có 26.454 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng hưởng lãi suất từ 3-5%/năm. Chỉ tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2024, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận hơn 570 tỷ đồng tiền lãi từ gửi tiết kiệm, cho vay và các khoản đặt cọc.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng sở hữu lượng tiền “không phải dạng vừa”. Cụ thể, HPG có 34.429 tỷ đồng tiền và tiền gửi, tương đương đầu năm. Trong 3 tháng cuối năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long thu được hơn 392 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay. Lũy kế cả năm, HPG của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận hơn 3.173 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, dù vậy con số này vẫn giảm gần 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đang có kho tiền lên tới 28.740 tỷ đồng. Trong đó, có gần 28.896 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Kho tiền hơn 1 tỷ USD mang về cho doanh nghiệp làm chủ dự án sân bay Long Thành hơn 1.636 tỷ đồng lãi từ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Năm 2023, ACV ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 8.600 tỷ đồng. Với hơn 1.636 tỷ đồng thu được từ lãi tiết kiệm ngân hàng đóng góp lớn vào tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này.
Ông lớn ngành công nghệ – Tập đoàn FPT (FPT) do đại gia Trương Gia Bình làm Chủ tịch cũng có 24.383 tỷ đồng tiền và tiền gửi, tăng gần 4.900 tỷ đồng trong một năm. Lãi tiền gửi ghi nhận trong năm hơn 1.648 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,5 tỷ đồng/ngày. Với ngành bán lẻ, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) do đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài giữ vị trí Chủ tịch cũng có tới 24.303 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, con số này đã tăng gần 9.200 tỷ đồng so với đầu năm. Số tiền cả tỷ USD này đem lại lãi 1.828 tỷ đồng, bổ sung lớn vào doanh thu tài chính của tập đoàn trong năm 2023 vừa qua.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản do khó khăn về dòng tiền thì các doanh nghiệp có quy mô tiền nhàn rỗi lớn và dòng tiền kinh doanh ổn định đã dễ dàng vượt qua khó khăn hiện tại để ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023.
Hoàng Anh