Home Kinh tế vĩ mô Những khoản phụ cấp sẽ bị bãi bỏ sau cải cách tiền...

Những khoản phụ cấp sẽ bị bãi bỏ sau cải cách tiền lương, ai cũng nên biết 

0

Nhiều người thắc mắc, từ ngày 01/7/2024 khi cải cách tiền lương thì những khoản phụ cấp nào sẽ bị bãi bỏ? 

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 thì từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

– Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:

+ Từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

+ Từ ngày 1/7/2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,…) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

– Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành sẽ bãi bỏ các khoản phụ cấp như sau:

– Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).

– Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ).

– Phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị – xã hội.

– Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản).

– Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

Tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1/7/2024

Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Liên quan đến điều chỉnh lương hưu, tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, việc cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh lương hưu. Do đó, từ ngày 1/7/2024, lương hưu phải tăng tối thiểu 15%.


Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dựa trên yếu tố trượt giá đầu vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề xuất tăng lương hưu 8% từ ngày 1/7/2024. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, đề xuất mức tăng này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi.


Tuy nhiên, để xác định lương hưu năm 2024 tăng bao nhiêu phần trăm thì phải chờ văn bản quy định chi tiết của Chính phủ.


Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính dựa trên mức lương cơ sở. Tuy nhiên, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương dẫn đến không còn hệ số lương và mức lương cơ sở. Do đó các khoản trợ cấp tính theo lương cơ sở cũng sẽ thay đổi từ ngày 1/7/2024. Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng mức cao nhất hiện nay và quy định bằng số tiền cụ thể.


Theo đó, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 540.000 đồng; trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi cho mỗi con bằng 3.600.000 đồng; mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản là 540.000 đồng/ngày; trợ cấp mai táng bằng 18.000.000 đồng. Trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 900.000 đồng; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 1.260.000 đồng…

Minh Hoa (t/h)

Link nguồn